Nhiều yếu tố tạo sức ép lên giá cả năm 2018
Hàng chục nghìn dòng thuế sẽ giảm về 0% | |
Lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra | |
Quốc hội quyết năm 2018 tăng trưởng 6,5% - 6,7%, CPI bình quân khoảng 4% |
Tại Hội thảo về diễn biến thị trường giá cả Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018 diễn ra ngày 9/1/2018, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, theo Nghị quyết của Quốc hội chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 ở mức 4%, tuy tương đương với chỉ tiêu năm 2017 nhưng công tác quản lý điều hành giá vẫn cần hết sức thận trọng.
Theo Cục quản lý giá, lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trước hết bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Đầu tiên là giá dịch vụ khám chữa bệnh. Hiện còn khoảng 18 địa phương chưa tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có bảo hiểm y tế, ước tổng tác động vào CPI khoảng 0,17%. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế sẽ tác động làm giá dịch vụ y tế tăng khoảng 4%, tác động vào CPI khoảng 0,14%. Và nếu không giãn lộ trình điều chỉnh thì giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh sẽ tính thêm chi phí quản lý vào trong giá trong năm 2018.
Thứ hai là giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% - 10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018.
Thứ ba là giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 dự kiến sẽ tác động lên mặt bằng giá năm 2018 khoảng 0,1% (theo ước tính của Tổng cục Thống kê). Ngoài tác động trực tiếp làm tăng CPI, việc tăng giá điện cũng sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào.
Thứ tư là giá lương thực và thực phẩm. Dù tình hình cung cầu sẽ không có nhiều biến động nhưng giá lương thực, thực phẩm còn chịu ảnh hưởng của yếu tố thiên tai, thời tiết bất lợi. Giá thịt lợn dự kiến tăng trở lại sau khi đã giảm sâu trong năm 2017 và cung cầu được điều chỉnh cân bằng hơn.
Thứ năm là giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5-15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28-0,64%. Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50 đến 55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm sẽ ở mức từ 66 – 70 USD/thùng, tăng từ 5% đến 10% so với bình quân năm 2017.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 |
Bên cạnh đó, giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật phí, lệ phí sẽ tác động lên lạm phát trong năm 2018. Việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá.
Việc điều chỉnh tiền mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở năm 2018 dự kiến làm tăng giá khoảng 5% đối với một số loại dịch vụ như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện nước, dịch vụ thuê người giúp việc.
Tuy nhiên Cục Quản lý giá cho rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong năm 2017 và dự kiến năm 2018, lạm phát cơ bản dự báo vẫn được kiểm soát trong khoảng 1,6-1,8%. Bên cạnh đó, tỷ giá và lãi suất vẫn được điều hành ổn định, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, để kìm giữ giá ở mức chỉ tiêu Quốc hội cho phép, Cục Quản lý giá đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tiếp tục lên cao trong thời gian tới, nhất là trong các thời điểm trước, trong và sau Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Về giá điện, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động (trực tiếp và gián tiếp) của việc điều chỉnh giá điện ngày 1/12/2017 đến chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm 2018, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để tránh tạo dư luận trong xã hội và kỳ vọng về lạm phát. Cục Quản lý giá đề nghị phải xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý “ăn theo” giá điện.
Đáng lưu ý là về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, Cục Quản lý giá đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành việc đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng để thực hiện điều chỉnh giảm mức giá dịch vụ đường bộ BOT đối với các trạm đã có giá trị quyết toán đến thời điểm hiện nay. Khẩn trương rà soát, giải quyết những bất cập của các trạm BOT hiện nay, đảm bảo quyền lợi của người dân và các phương tiện đi qua trạm, tránh dư luận không tốt trong xã hội.