Phân công quản lý nợ công
Quản lý nợ công là một trong những giải pháp có tính quyết định để đảm bảo một nền tài chính vững mạnh. Theo một số đánh giá, thời gian qua còn bộc lộ những bất cập chủ yếu trong quản lý, sử dụng vốn vay, ODA như năng lực thực hiện, quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, giải phóng mặt bằng còn chậm hay bố trí nguồn đối ứng không kịp thời...
Phân bổ vốn đầu tư từ nguồn nợ công còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh. Việc thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ khiến nợ công tăng nhanh. Áp lực trả nợ ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguyên nhân dẫn tới nợ công có nhiều, nhưng nổi lên là tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công...
Ảnh minh họa |
Bởi vậy, chỉnh sửa Luật Ngân sách được đặt ra trong kỳ họp Quốc hội lần này là rất cần thiết trong bối cảnh ngân sách hiện nay. Về mặt nguyên tắc, chỉ chỉnh sửa và bổ sung những điều Luật mà trên thực tế còn vướng mắc, cản trở tính hiệu quả trong quản lý nợ công, sử dụng vốn vay từ nguồn ngân sách. Chẳng hạn như cần quy định và phân định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chưa hiệu quả, để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Đây là vấn đề nhức nhối nhất, là nguyên nhân chính đẩy nợ công tăng nhanh.
Vì vậy, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay trả nợ công, cũng như các vấn đề liên quan đến huy động vốn vay, vay về cho vay lại, cấp bảo lãnh cho Chính phủ, quản lý rủi ro nợ công… để làm rõ trách nhiệm này.
Đồng thời việc quản lý nợ công cần đảm bảo tính tập trung cao, song phải tránh được tính độc quyền trong quản lý và đảm bảo sự giám sát hiệu quả quá trình quản lý. Chính vì vậy, quan điểm để Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và NHNN thực hiện các phần việc liên quan theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan là phù hợp. Luật Ngân sách trước đó cũng đã quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của 3 bộ này.
Trên thực tế, NHNN đã thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết thỏa thuận vay với tổ chức tài chính như WB, ADB rất hiệu quả và được đánh giá cao. Hơn nữa việc đàm phán, ký kết vay vốn không ảnh hưởng đến hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn vay.