Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp | |
Cơ giới hóa nông nghiệp “giậm chân tại chỗ” | |
Tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn: Đang cần thêm những cú hích |
Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi khoa học, học thuật trên các vấn đề: Nội hàm của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; Những vấn đề lý luận gắn với phát triển nông nghiệp bền vững ở góc độ vùng, địa phương; Thực trạng phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững trong thời gian qua; Đề xuất những quan điểm, sáng kiến, các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững…
Hội thảo đã nhận được 25 tham luận chất lượng của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ lãnh đạo và quản lý đến từ Học viện Chính trị khu vực III, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, các sở, ban, ngành ở các địa phương khu vực Nam Trung Bộ.
Chủ đề các tham luận khá đa dạng, bao quát trên nhiều bình diện khác nhau. Trong đó, một số tham luận nhấn mạnh việc cần thiết lấy tăng trưởng xanh làm công cụ để phát triển nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững.
Những năm gần đây, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Bằng các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, ngành nông nghiệp trong nước đã có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP đang có sự suy giảm, song giá trị tuyệt đối ngày càng tăng, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, do quá trình sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung vào mục tiêu gia tăng năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến những tác động xã hội và môi trường.
Trong thực tế, những phương thức canh tác nông nghiệp hiện quá phụ thuộc vào việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, làm suy kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo, đầu độc môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp luôn ở mức cao và biến động thường xuyên bởi yếu tố hội nhập, điều này đã khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp hàm chứa nhiều rủi ro, thiếu bền vững.
Trước những thách thức trên, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giải quyết hài hòa ba mục tiêu trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường nhằm phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở góc độ vùng, địa phương là vấn đề mới mẽ cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
Do vậy, Hội thảo khoa học “Phát triển nông nghiệp ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững” là một diễn đàn hết sức ý nghĩa, cơ hội tốt để các nhà khoa học, cơ quan chức năng cùng trao đổi và có những định hướng rõ hơn cho tiến trình tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.