Phổ biến các cam kết trong EVFTA về chỉ dẫn địa lý
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU | |
Đón sóng đầu tư mới từ EU |
Ngày 29/6/2016, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) sẽ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu” tại Khách sạn Hòa Bình (27 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ảnh minh họa |
Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện Ban quản lý Dự án EU-MUTRAP, Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan thông tấn báo chí...
Hội thảo sẽ phổ biến cụ thể các cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, đặc biệt là những vấn đề cơ bản mang tính pháp lý, các quan điểm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý; hiện trạng về hoạt động quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý; kinh nghiệm quản lý và tổ chức kiểm soát chất lượng chỉ dẫn địa lý của châu Âu và một số bài học cho Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện các hiệp hội ngành nghề đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ trình bày các tham luận về hoạt động quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của địa phương.
Theo ban tổ chức, với việc công bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) vào cuối năm 2015 và công bố toàn bộ văn bản Hiệp định vào tháng 2/2016, Việt Nam và EU dự kiến sẽ chính thức ký Hiệp định trong thời gian tới.
Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký với EU – đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, với nhiều cam kết ở mức cao cả trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, và những lĩnh vực mới như môi trường, lao động và đặc biệt là sở hữu trí tuệ.
Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết, EU sẽ công nhận 39 sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) của Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của EU, để quản lý hiệu quả một sản phẩm GI đã được đăng bạ và bảo hộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp - quản lý tự động, hiệp hội ngành hàng – kiểm soát trong và cơ quan quản lý địa phương – kiểm soát ngoài cũng như cần tổ chức một cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập tại địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan trong việc chứng nhận chất lượng của hệ thống quản lý này.