Quá nhiều DN nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao
Nâng cao năng lực cho DN nhỏ | |
DN nhỏ, câu chuyện lớn | |
100% doanh nghiệp phá sản là DN nhỏ và siêu nhỏ |
Ảnh minh họa |
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang có những cơ hội “vàng” để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai. Đó là hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết và đang lần lượt thực thi theo lộ trình.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là vấn đề cạnh tranh. Rất nhiều DN tự tin rằng mình đã tái cơ cấu, đủ sức ứng phó với mở cửa thị trường của Việt Nam và có thể tận dụng tốt cơ hội mới. Nhưng trên thực tế, khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn ở mức thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành thâm dụng vốn và các dịch vụ cao cấp.
Việt Nam hiện có khoảng 550.000 DN, nhưng chỉ có 25% trong số đó có khả năng xuất khẩu, song còn thiếu ổn định về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các DN còn gặp nhiều vấn đề khác như chi phí đầu vào cao, bất cập cơ sở hạ tầng và các liên kết lỏng lẻo trong các dây chuyền sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, số lượng DN Việt Nam tăng theo từng năm, nhưng bên cạnh, lượng DN giải thể cũng không ít và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lại nữa, nhìn cụ thể vào các DN thì thấy trình độ quản lý còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động tay nghề thấp, quy mô nhỏ... dẫn đến khả năng tham gia vào chuỗi toàn cầu rất yếu.
Đó là chưa kể tư duy hội nhập của DN còn chưa bắt kịp khi đối mặt với thực tế cạnh tranh thương mại cả trong nước và quốc tế. Ví dụ cụ thể, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo đang bị cạnh tranh khốc liệt. Vốn là quốc gia đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong thời gian dài, nhưng hai năm trở lại đây, gạo Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh, giảm giá so với đối thủ láng giềng như Thái Lan và mới đây nhất là Lào và Campuchia.
Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu gạo còn thừa nhận, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, chất lượng thấp, dẫn đến giá bán rẻ. Chưa hết, sắp tới đây khi Lào và Myanmar tham gia vào xuất khẩu gạo, thì thị phần của gạo Việt Nam sẽ còn thu hẹp tiếp.
Ông Võ Trí Thành cho biết, khảo sát mới nhất về sự quan tâm của DN với các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam mới ký kết cho thấy, chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam hiểu biết đủ về Cộng đồng Kinh tế ASEAN để lên kế hoạch kinh doanh. Còn lại những Hiệp định khác gần như chỉ nghe nói mà chưa tìm hiểu. Đáng ngại nhất là các DNNVV hầu như không biết gì, hoặc chỉ biết qua truyền thông… Như vậy có thể thấy, hiện nay tâm lý của DN Việt là chưa sẵn sàng cho những thay đổi lớn.