Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD
Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD | |
Sửa đổi bổ sung Luật các TCTD là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách | |
An toàn hệ thống phải đặt lên trên hết |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD, có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để hỗ trợ cơ cấu lại TCTD, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng NSNN trong cơ cấu lại các TCTD; có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng NSNN nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn NSNN.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, không sử dụng NSNN để cơ cấu lại DNNN, xử lý nợ xấu hệ thống NHTM Nhà nước, cấp vốn điều lệ cho TCTD thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại TCTD, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu NSNN (ví dụ như số nộp NSNN về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi NSNN để xử lý.
Về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (gồm cả cán bộ, công chức và người của TCTD). Tuy nhiên một số ý kiến không đồng tình với quy định về miễn trách nhiệm hoặc quy định trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại TCTD vì đã có quy định tại các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Cán bộ, công chức…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, không quy định việc miễn trách nhiệm hoặc quy định trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại TCTD vì đã có quy định tại các luật khác có liên quan để tránh xung đột pháp lý khi xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức và các trách nhiệm dân sự, hình sự khác.
Về thẩm quyền quyết định cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 146), có ý kiến cho rằng quy định giao Chính phủ thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt là không phù hợp vì nếu giao Chính phủ thì quá trình kéo dài, phức tạp, không kịp thời; đề nghị nên giao Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo dự thảo Luật, đa số các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc thực hiện phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi).