Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Agribank Lâm Đồng: Khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao | |
Nông nghiệp công nghệ cao thu hút đầu tư | |
Đăk Nông - Đất lành chim đậu |
Là một trong những nước có lợi thế và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong đó DN đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối đưa hàng nông sản ra thế giới. Tuy nhiên trên thực tế các DN hiện vẫn chưa thực sự mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy việc thúc đẩy DN đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này đang rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư, thị trường…
Ngành nông nghiệp thành phố sẽ phát triển theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất |
Theo Bộ NN&PTNN, những năm qua Chính phủ luôn tạo điều kiện để phát triển thu hút đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018 là năm có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ đã rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh cho DN phát triển. Riêng Bộ NN&PTNT đã đơn giản hóa, rà soát cắt giảm 173/345 điều kiện kinh doanh, đạt 50,75%, cắt giảm 63 thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Theo đó, năm 2018 được đánh giá là năm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 DN đầu tư mới, nâng tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 DN. Tuy nhiên so với con số hơn 600.000 DN hiện nay thì đây vẫn là tỷ lệ khá nhỏ.
Hà Nội là một trong những địa phương xây dựng nhiều chính sách để phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua. Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp năm 2018 tăng trưởng khá, ước tăng 3,33% so với năm 2017, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay Hà Nội đã xây dựng 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông - lâm - thủy sản, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đồng thời công tác tư vấn đăng ký và duy trì nhãn hiệu sản phẩm được thực hiện có hiệu quả với trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ.
Thành phố chủ trương phát triển nông nghiệp Thủ đô phải là một phần quan trọng tạo động lực phát triển cho nông nghiệp cả nước. Chính vì vậy, nhằm phát triển ngành nông nghiệp và kêu gọi DN tham gia, ngày 22/4/2019, Sở NN&PTNT thành phố đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến kết nối DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng tạo chuỗi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp.
Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp là 197,7ha, chiếm 58,9% diện tích đất tự nhiên. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 251 nghìn ha. Diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận được 5,3 nghìn ha, diện tích giám sát sản xuất theo VietGAP đạt 352,7ha và trên 40ha sản xuất rau hữu cơ. |
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng DN tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ phát triển theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; Bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, phục vụ mục tiêu xuất khẩu nông sản. Chính vì vậy, thành phố rất cần các DN tham gia đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đồng thời, vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang là vấn đề nan giải đối với DN. Vì vậy việc “cởi trói” các chính sách về nông nghiệp nhằm khuyến khích DN đầu tư là yếu tố then chốt. Năm 2019 sẽ có nhiều luật được sửa đổi như sửa đổi luật thuế, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tất cả những điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với những chủ trương ưu đãi dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giết mổ, chế biến, tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, Hà Nội cũng đang thu hút DN triển khai nhiều dự án công nghệ cao như: Dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã An Thượng và Song Phương (huyện Hoài Đức) với quy mô 668ha. Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch tại xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn)…
Ông Tạ Văn Tường khẳng định, để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, đáp ứng những tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch, an toàn thì vai trò của DN là rất lớn. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp tích cực với Hiệp hội DNNVV Hà Nội và Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, cách làm, để các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Sở NN&PTNT cũng sẽ là cầu nối để liên kết giữa DN của Hà Nội với các tỉnh, thành để các DN có nhiều điều kiện mở rộng hợp tác kinh doanh cùng phát triển.