Bắt nhịp cao tốc FTA
Tận dụng VIFTA còn nhiều việc phải làm Cần thay đổi tư duy sản xuất và tận dụng các FTA |
Đường ra quốc tế ngày càng thênh thang
Theo Bộ Công Thương, tính tới thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA. Phần lớn các FTA đều đã và đang phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy sản xuất và cải thiện kim ngạch thương mại của Việt Nam.
9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm, xuất khẩu 9 tháng của chúng ta giảm 8,2% so với cùng kỳ 2022, song cũng có nhiều điểm sáng như vẫn duy trì có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%). Tổng xuất siêu trong 9 tháng năm 2023 là 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD) góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Cơ hội tăng tốc trên "cao tốc" đang còn rộng mở khi FTA Việt Nam-UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) và FTA Việt Nam - Khối Thương mại tự do châu Âu (VN-EFTA) đang trong quá trình đàm phán. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Canada cũng đã tái khởi động đàm phán từ năm 2021.
Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương chỉ ra sự quan tâm đối với thúc đẩy các liên kết kinh tế nói chung và FTA nói riêng vẫn còn rất lớn. Bên cạnh RCEP đi vào thực hiện từ đầu năm 2022, nhiều nền kinh tế xin gia nhập/quan tâm đến CPTPP như Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ai-len đã ký kết gia nhập vào tháng 7/2023; Mỹ chưa cân nhắc trở lại CPTPP, nhưng đã gia tăng kết nối về kinh tế với các đồng minh ở khu vực châu Á (chuỗi cung ứng, hạ tầng, năng lượng...; và mới nhất là sáng kiến IPEF). Bên cạnh đó là các quốc gia đang đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN (Australia-New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, việc tận dụng "cao tốc" thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Báo cáo nghiên cứu của VCCI cho thấy, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2018 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021 và mới cải thiện chút ít với mức 33,6% năm 2022, song diễn tiến không ổn định với từng hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng ưu đãi.
Kim ngạch xuất khẩu ASEAN 5 tháng đầu năm tăng 125 tỷ USD, trong khi cùng giai đoạn này xuất khẩu Việt Nam ước đạt 37 tỷ USD, giảm 19,5% - đặt ra câu hỏi về năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt. Những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ FTA, cũng đã được VCCI chỉ ra qua khảo sát từ năm 2022: doanh nghiệp lo ngại nhất là các biến động và bất ổn thị trường (46,76%); hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,37%); thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%); bất cập trong tổ chức thực thi của FTA của các cơ quan Nhà nước (28,2%).
Trong khi đó, nhiều thách thức mới đang đặt ra. Đơn cử, phát triển bền vững ban đầu được coi là các tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới (CPTPP và EVFTA), nhưng những cam kết và chuyển biến chính sách thực tế còn đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn rất nhiều như: COP26 và cắt giảm khí thải; Tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy phục hồi xanh; Chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế; Chuyển đổi năng lượng; Mô hình kinh tế tuần hoàn và các mô hình có sức chống chịu với biến đổi khí hậu; Tăng quyền cho phụ nữ trong tương lai việc làm mới...
Cùng với đó, các hàng rào phi thuế quan ngày càng dày đặc, có xu hướng gia tăng từ các thị trường trọng điểm. Trong đó nổi bật là việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (từ 2024). EU điều chỉnh tiêu chuẩn hàng nhập khẩu với việc kiểm soát dư lượng tối đa hàng nông sản thực phẩm, Quy định về các sản phẩm không phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU…
Một số yêu cầu mới ở các thị trường đối tác mà doanh nghiệp cần nắm như quy định hướng tới phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là cần thay đổi tư duy sang “bán sản phẩm thị trường cần” chứ không phải “bán sản phẩm mình có”. Doanh nghiệp Việt xem xét hợp tác, chuyển giao công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài. Bởi doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài sẽ là người chỉ dẫn đầy đủ nhất. Doanh nghiệp cần có tư duy tích cực hơn với các chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tăng trưởng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở góc độ xây dựng chính sách, ông Vũ Xuân Hưng đề xuất: để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng năng lực khi thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thực thi, ưu đãi thuế nên thay bằng thuận lợi hóa hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; giảm gánh nặng chi phí về thủ tục hành chính. Việt Nam cũng cần điều chỉnh tiêu chuẩn hàng xuất khẩu, xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt cần xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, các hàng hóa mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh: Ngành tái chế; Hàng hóa có khả năng áp dụng sản xuất sinh thái (rau, quả an toàn, hữu cơ...); Hàng hóa năng lượng thay thế (năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học).
Các chính sách tài chính cần góp phần hướng tới tăng trưởng xanh: công cụ thuế, phí để điều tiết và định hướng sản xuất cũng như tiêu dùng. Đặc biệt chúng ta cần kiên quyết dừng tiếp nhận các dự án FDI mới vào những ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, gây hiệu ứng nhà kính, không thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam tương thức với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực khi xây dựng và áp dụng pháp luật theo nguyên tắc “chọn bỏ” tương thích với CPTPP thay cho nguyên tắc “chọn cho” đã tồn tại rất lâu theo các FTA thế hệ cũ. Song, như vậy chưa đủ, chúng ta cần cải cách hơn nữa thủ tục hành chính; Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi đồng bộ với các cam kết quốc tế nói chung và FTA nói riêng...