Chuyện ít biết về những họa sĩ vẽ tiền
Làm bài dự thi “TÌM HIỂU VỀ TIỀN VIỆT NAM” | |
THÔNG BÁO CUỘC THI "TÌM HIỂU VỀ TIỀN VIỆT NAM" | |
NHNN tổ chức Hội thảo về cuốn sách “Tiền Việt Nam” |
Trải qua biến cố lịch sử, từ ngày thành lập nước 2/9/1945 cho đến nay, các họa sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự ra đời của những tờ tiền giấy, qua mỗi lần thay đổi…
1-Người đầu tiên vẽ “Tiền Cụ Hồ”
Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước ta đã sớm nghĩ ngay đến việc in tiền giấy, để lưu hành trong đời sống hàng ngày. Bởi đó chính là sự khẳng định chủ quyền của một Nhà nước và sức mạnh của một nền kinh tế mới, cho dù còn non trẻ.
Chỉ sau ngày tuyên ngôn độc lập, bộ máy vận hành cho đồng tiền của chính quyền cách mạng đã bắt đầu triển khai những bước đầu tiên. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng phụ trách việc in và phát hành tiền giấy bạc Việt Nam. Công việc được bí mật triển khai vào tháng 11/1945.
Trong số gần 20 họa sĩ trẻ giàu nhiệt huyết cách mạng lúc đó được triệu tập để thiết kế tiền với các mệnh giá khác nhau, hai họa sĩ được phân công nhiệm vụ đầu tiên là Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng, còn họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng.
Giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 5 đồng |
Tiếp theo là họa sĩ Nguyễn Văn Khanh dựng hình cho tờ tiền 20 đồng. Sau đó mới đến nhóm do họa sĩ Nguyễn Huyến phụ trách thiết kế tờ giấy bạc 100 đồng. Còn những họa sĩ khác như Bùi Trang Chước, Nguyễn Sáng, Lê Phả… cũng đều được phân công thiết kế các tờ giấy bạc khác như 1 đồng, 2 đồng, 50 đồng...
Và, họa sĩ Mai Văn Hiến là người tiên phong triển khai hình tượng cho tờ bạc 5 đồng để làm thí điểm. Đặc biệt hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được chọn vẽ đầu tiên để làm mẫu thống nhất cho các mệnh giá khác. Vậy chính họa sĩ Mai Văn Hiến là người đầu tiên thiết kế tiền giấy bạc của nước ta.
Sinh thời, họa sĩ Mai Văn Hiến đã từng bày tỏ về kỷ niệm này. Ông kể khi nhận nhiệm vụ thiết kế mẫu, đã phải mất hai tháng trời suy nghĩ và phác thảo. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã chọn mẫu qua một chân dung của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, người được phân công chuyên chụp ảnh tư liệu và chân dung Bác.
Từ chân dung ảnh được phiên sang hình nét không hề đơn giản với một kích thước nhỏ bé, với công cụ là một cây bút nhỏ xíu, cùng chiếc kính lúp. Tỉ mỉ về nét, chuẩn mực về hình, thần thái toát ra từ chân dung của một vị Chủ tịch nước. Đó là mặt trước với những chữ và mệnh giá sao cho cân đối. Còn phía sau là hình ảnh anh công nhân đang quai búa trên nền một công xưởng.
Ông đã phải ra ga Hàng Cỏ để quan sát tốp thợ đang làm việc lấy đó làm mẫu vẽ. Ngay khi tờ mẫu vẽ như tiền thật đã được Bộ trưởng Phạm Văn Đồng duyệt chính thức. Và, đó chính là chữ ký đầu tiên xác nhận đây là mẫu được in sớm nhất. Đồng thời đó cũng là niềm vinh dự của một họa sĩ trẻ Mai Văn Hiến, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi mới 23 tuổi.
Sau nửa năm phải lưu hành tiền hào kim loại, những tờ tiền giấy đầu tiên của nước ta được phát hành ở miền Bắc vào ngày 13/8/1946. Ba tháng sau, những mệnh giá tiền mới cùng đồng loạt được lệnh phát hành rộng rãi, khắp cả nước.
Những tờ tiền giấy mang hình ảnh Bác Hồ được dân chúng ngày đó hồ hởi đón nhận và sử dụng trong đời sống sinh hoạt. Các mẫu tiền mới mang dấu ấn của chính quyền cách mạng đã được người dân yêu quý và thường gọi với tấm lòng thân thương, ấm áp là “Tiền Cụ Hồ”.
2-Người giữ kỷ lục vẽ nhiều mẫu tiền nhất
Những đồng tiền đầu tiên do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là NHNN Việt Nam) phát hành |
Nhiều thế hệ họa sĩ tiếp nối làm việc ở bộ phận thiết kế mẫu tiền từ ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam năm 1951. Cùng với đó giấy bạc ngân hàng phải thay đổi theo từng thời kỳ biến động như đổi tiền hay chuyển đổi chất liệu. Do vậy vai trò các họa sĩ càng trở nên cần thiết. Hơn thế nghề thiết kế mẫu tiền lâu nay chưa có trường lớp đào tạo có hệ thống mà các họa sĩ chỉ học tập theo kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại.
Mỗi họa sĩ dường như phải mất nhiều năm tích lũy mới nâng cao được kỹ nghệ đồ họa hết sức đặc biệt trong công việc thiết kế mẫu tiền. Cho dù hiện nay công nghệ tin học đã phát triển mạnh và được vận dụng vào trong quá trình kỹ thuật thiết kế nhưng điều quan trọng về tạo được một giấy bạc đẹp lại phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của họa sĩ.
Vậy nên những họa sĩ vừa tinh thông kỹ nghệ vừa tạo nên ánh sáng mới cho đồng tiền đâu nhiều. Không ít người bị đào thải sau những thử thách khắc nghiệt trong quá trình đào tạo và thực hành.
Khi có dịp trao đổi về công việc thiết kế mẫu tiền, họa sĩ Trần Tiến thường nhớ đến những khó khăn vất vả khi mới bước vào nghề, từ năm 1975. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước. Nhưng đó cũng là ngày hội của những họa sĩ thiết kế mẫu tiền mới để thống nhất tiền tệ trong toàn quốc. Tính cho đến lần đổi tiền thứ 6 vào năm 1985, hình thức của tờ bạc được chỉ đạo thiết kế bộ mới khởi đầu cho thời kỳ “Giá-Lương-Tiền”.
Họa sĩ Trần Tiến là một người tham gia trong quá trình đổi mới đó cho đến khi chuyển đổi về chất liệu từ tiền giấy sang tiền polymer (2003). Tuy đã về hưu nhưng họa sĩ Trần Tiến vẫn được công nhận là người thiết kế nhiều mẫu tiền nhất cho đến nay. Trong suốt 30 năm, trở thành Trưởng phòng thiết kế mẫu tiền, ông đã có khoảng 40 mẫu vẽ thành công. Đó là một kỷ lục cho đến nay chưa có ai vượt nổi.
Đáng chú ý khi nhắc đến tờ tiền 200.000 đồng (polymer) do ông thiết kế cả hai mặt, hoặc mặt trước của tờ 500.000 đồng (polymer), ông vẫn còn có những cảm giác hồi hộp. Bởi lẽ những tờ tiền mệnh giá càng cao càng cần phải thiết kế sao chống được những tội phạm làm tiền giả ở mức cao nhất.
Họa sĩ Trần Tiến nhấn mạnh chất liệu polymer là chất liệu duy nhất cho phép tạo ra những “Cửa sổ” có hiệu ứng quang học khiến tất cả các thiết bị sao chụp tinh vi nhất cũng gặp khó khăn.
Đồng thời về mặt cơ giới, phải tính toán trong thiết kế sao để kích cỡ phù hợp với các loại máy ATM, cùng các tiêu chuẩn quốc tế. Họa sĩ Trần Tiến còn là người thiết kế mặt sau tờ tiền 50.000 đồng (polymer). Hoặc những tờ tiền giấy cotton mà ông thiết kế hiện vẫn còn được lưu hành như tờ 5000 đồng, 1000 đồng.
3-Tiền phải đẹp
Họa sĩ Trần Tiến thường nhấn mạnh, tuy nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình thiết kế và ấn loát, nhưng mẫu tiền cần phải đẹp. Mà cái đẹp ở đây ngoài hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có những hình ảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam.
Nét đẹp này chính là thành quả sáng tạo của họa sĩ. Đó là hình ảnh làng Sen quê Bác, hình ảnh di tích cố đô Huế trên dòng - sông Hương, hoặc đó là hình chùa Một Cột… hiện diện từ cội nguồn văn hóa và lịch sử của một giang sơn gấm vóc có 4000 năm văn hiến.
Người ta còn nói đồng tiền là “Đại sứ” của một đất nước. Đó chính là vẻ đẹp Việt Nam, nói lên giá trị lớn mạnh của một dân tộc; đồng thời cũng khẳng định vị thế và sức mạnh của đất nước ta trên trường quốc tế, trong hơn 70 năm qua.
Người ta còn nói đồng tiền là “Đại sứ” của một đất nước. Đó chính là vẻ đẹp Việt Nam, nói lên giá trị lớn mạnh của một dân tộc; đồng thời cũng khẳng định vị thế và sức mạnh của đất nước ta trên trường quốc tế, trong hơn 70 năm qua. |