Dịch bệnh, niềm tin và tăng trưởng kinh tế
COVID-19 làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 đến mức nào? | |
Thường trực Chính phủ họp đánh giá kịch bản tăng trưởng năm 2020 |
Ngành Du lịch Thủ đô triển khai nhiều giải pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, vừa thu hút, phục vụ tốt du khách - Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Một bản dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng trên cổng thông tin của bộ để lấy ý kiến góp ý. Việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng thể hiện nỗ lực để nền kinh tế phát triển, để động năng, động lực tăng trưởng không bị bào mòn.
Chiến lược nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, trong đó quý 1 tăng 6,52%; quý 2 tăng 6,65%; quý 3 tăng 7,11%; quý 4 tăng 6,81%. Tuy nhiên do dịch Covid-19 bùng phát nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến GDP quý 1 tăng 3,8% và nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý 1 thì GDP quý 1 tăng 6,55%. Còn trường hợp sang quý 2 mới khống chế được dịch bệnh thì GDP quý 2 ước tăng 5,8%.
Lạc quan hơn kịch bản dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Lê Đình Ân - nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, GDP quý 1/2020 tăng khoảng 4,2% đến 4,5% và GDP cả năm tăng khoảng 6,27%.
Tuy nhiên có 3 vấn đề lớn mà theo ông “rất cần suy nghĩ”. Thứ nhất là việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Covid-19, lần nữa khẳng định cần có chiến lược phân tán rủi ro đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách, nhằm tránh sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Thứ hai, cần phải có chiến lược nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài, sách lược cụ thể bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp; nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Thứ ba, hoạt động tài chính và ngân hàng cần phải được cân nhắc kỹ càng và điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình khó khăn hiện tại. Vấn đề lớn nhìn thấy ngay đó là ngân sách sẽ thu ít đi chi nhiều lên. Vì thế, việc “tung” ra gói cứu trợ hiện nay cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa lúc này có bơm tiền ra cũng không giúp khách Trung Quốc sang Việt Nam đông hơn; không giúp xuất khẩu nhiều hơn...
Một yếu tố khác khiến cần suy nghĩ kỹ lưỡng về gói cứu trợ do lạm phát tháng 1/2020 đã tăng cao. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn tín dụng của các ngành đang giảm mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản, vận tải, hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí… Ngoài ra, các NHTMCP cũng phải tham gia thực hiện cứu trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19 gây ra như giãn nợ, xóa nợ, giảm lãi suất...
10 năm trước ta đã để doanh nghiệp thiệt hại quá lớn
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh đến niềm tin và tinh thần vượt khó. Trước hết là niềm tin của người dân và thị trường vào năng lực của Chính phủ khi đã có những biện pháp chống dịch kiên quyết và hiệu quả mà thế giới và WHO đã ghi nhận. Bên cạnh đó cần có niềm tin để nền kinh tế không bị ách tắc, trì trệ.
Mặc dù với những khó khăn chồng chất hiện nay thì việc đạt mục tiêu 6,8% là xa vời, nhưng TS.Nguyễn Đình Cung phát biểu rằng: “Chỉ đạo của Thủ tướng không thay đổi các chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là không thay đổi mục tiêu tăng trưởng là hợp lý”. Bởi việc giữ mục tiêu 6,8% có ý nghĩa quan trọng khi mà nền kinh tế đang phục hồi tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng đang được cải thiện. Nếu để tăng trưởng sụt còn 5,8% thôi chẳng hạn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới; dẫn tới sẽ phải mất khoảng 4 đến 5 năm nữa mới phục hồi trở lại mức tăng trưởng như hiện nay. Cùng với đó, nếu không có những giải pháp khác biệt, đặc biệt thì doanh nghiệp sẽ suy giảm mạnh về năng lực sản xuất và khả năng chống chịu, như thế thì khả năng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Cho nên chỉ đạo lúc này giữ nguyên mục tiêu 6,8% là rất hợp lý, rất ý nghĩa như vậy”, ông nhấn mạnh.
Cho rằng cần phải có giải pháp đặc biệt để bù lại 1 điểm % tăng trưởng hụt đi, ông Cung nêu lên 2 loại giải pháp. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương phải có đánh giá cụ thể, chi tiết về đối tượng bị tác động, mức độ bị tác động, mức độ thiệt hại... để có thể đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp và những đối tượng bị tác động trực tiếp của dịch bệnh nhằm duy trì sức chống chịu của doanh nghiệp.
Giải pháp thứ 2 là tìm kiếm những cách thức và làm quyết liệt để bù đắp lại thâm hụt về tăng trưởng vì nếu chỉ thúc đẩy giải ngân đầu tư công thôi thì không đủ để bù đắp lại cho phần tăng trưởng bị thiệt hại. Hiện cả đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân đang ách tắc. Do vậy, phải có giải pháp quyết liệt yêu cầu các tỉnh khẩn trương xử lý các thủ tục hành chính, trong tháng 3, tháng 4 này phải giải quyết xong tất cả những hồ sơ về dự án đầu tư đang tồn đọng. Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn. Tương tự là các bộ trưởng cũng phải hành động như vậy với các dự án đầu tư công quan trọng quốc gia về hạ tầng đang ách tắc. Phải quyết liệt với giải pháp này để vừa bù đắp cho tăng trưởng vừa đưa ra thông điệp cho xã hội và thị trường đủ niềm tin để họ duy trì sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng, để nền kinh tế không một lần nữa rơi vào tình trạng sụt giảm tăng trưởng, thì phải củng cố niềm tin, phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị ở các cấp cao nhất để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Muốn vậy đi cùng với các giải pháp phải là quyết tâm chính trị và tốc độ thực thi.