Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/6 Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/6 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 24/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.262 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.457 VND/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với phiên 21/6.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 80 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.840 VND/USD và 25.920 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 24/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,07 - 0,44 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 3,57%; 1 tuần 4,20%; 2 tuần 4,56% và 1 tháng 4,81%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 5,27%; 1 tuần 5,33%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,42%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,90%; 5 năm 1,96%; 7 năm 2,27%; 10 năm 2,78%; 15 năm 2,95%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 10.150 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 4,25%, có 200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 9.950 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 106.660 tỷ đồng, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số liên tục giảm điểm cùng khối lượng giao dịch gia tăng mạnh cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Kết phiên, VN-Index giảm mạnh 27,90 điểm (-2,18%) còn 1.254,12 điểm; HNX-Index giảm 4,63 điểm (-1,89%) xuống 239,74 điểm; UPCoM-Index mất 1,53 điểm (-1,51%) về 99,06 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch trên 35.900 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 18/6/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 06/2024/TT-NHNN kéo dài thêm 6 tháng thời hạn thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết ngày 31/12/2024. Việc này sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Tin quốc tế
Hãng Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức ở mức 88,6 điểm trong tháng này, giảm nhẹ xuống từ 89,3 điểm của tháng 5 và thấp hơn dự báo ở mức 89,4 điểm.
Trong buổi họp báo ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ tài chính Nhật Bản Masato Kanda nhận định nếu có sự biến động quá mức về tiền tệ, nền kinh tế Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, trong trường hợp đồng JPY mất giá phi lý vì đầu cơ, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp để kiểm soát tỷ giá.
Phát biểu của ông Kanda được đưa ra khi JPY mất giá xuống mức kỷ lục, với tỷ giá USD/JPY chạm mức 160,17. Trước đó, ngày 3/6, Nhật Bản xác nhận đã chi 62 tỷ USD can thiệp trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Quy mô của đợt can thiệp này lớn hơn so với dự báo của thị trường, cho thấy quyết tâm của Nhật Bản nhằm giải tỏa áp lực từ nhập khẩu lạm phát.