Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/5
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-29/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/05, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.174 VND/USD, tăng mạnh 16 đồng so với phiên trước kỳ nghỉ lễ. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.819 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.064 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên 29/04. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 05 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 15 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.620 - 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/05, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,04 đpt ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,14 đpt ở kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 1,03%; 1W 1,10%; 2W 1,19% và 1M 1,21%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng 0,01 - 0,02 đpt ở các kỳ hạn dài hơn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,25%, 1M 0,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên tại: 3Y 0,68%; 5Y 1,16%; 7Y 1,47%; 10Y 2,36%; 15Y 2,60%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều cổ phiếu trụ cột giảm sâu ngay từ đầu phiên, gây áp lực lớn đến các chỉ số. Chốt phiên, VN-Index tăng 2,81 điểm (+0,23%) lên 1.242,2 điểm; HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,43%) xuống 277,71 điểm; UPCoM-Index giảm 0,82 điểm (-1,02%) xuống 79,82 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt trên 23.900 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 656 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo kết quả khảo sát của HIS Markit vừa được công bố, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 54,7 điểm trong tháng 4 so với mức 53,6 điểm trong tháng 3. Số liệu cho thấy các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất cải thiện đáng kể, đây là mức cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 11/2018. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tám liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong gần hai năm rưỡi. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu quốc tế cải thiện.
Tin quốc tế
Cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt 74,4 tỷ USD trong tháng 3, sâu hơn mức thâm hụt 70,5 tỷ của tháng 2 và gần khớp với dự báo thâm hụt 74,5 tỷ. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng 1,1% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 0,8% ở tháng trước đó, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng 1,3% theo kỳ vọng.
IHS Markit cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của Anh chính thức đạt mức 60,9 điểm trong tháng 4, được điều chỉnh tăng so với mức 60,7 điểm theo khảo sát sơ bộ, đồng thời tăng tương đối mạnh so với mức 58,9 điểm của tháng 3. Đây là mức PMI sản xuất cao nhất của nước này kể từ tháng 07/1994.
NHTW Úc RBA cho rằng kinh tế thế giới đang thể hiện triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và 2022. Kinh tế quốc nội Úc cũng đang cho thấy sức phục hồi mạnh hơn kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5,6% vào tháng 3 và số người có việc làm hiện tại đã trở về mức như trước khi bị đại dịch tác động. GDP của nước Úc được dự báo tăng trưởng 4,75% trong năm 2021 và 3,5% vào năm 2022. Tuy vậy, dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát vẫn đang yếu, thu nhập cho người dân có thể được cải thiện ở mức vừa phải trong tương lai. RBA cam kết sẽ giữ CSTT hỗ trợ để đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát tiến tới ngưỡng mục tiêu. RBA khẳng định sẽ không tăng LSCS cho tới khi lạm phát ổn định trong trong ngưỡng 2,0% - 3,0%.
Tỷ giá ngày 04/05: USD = 0.832 EUR (0.40% d/d); EUR = 1.201 USD (-0.40% d/d); USD = 0.720 GBP (0.17% d/d); GBP = 1.389 USD (-0.17% d/d).