Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho PPP
Thủ tướng nhất trí phương án chuyển một số dự án PPP sang đầu tư công | |
PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước | |
Chia sẻ rủi ro PPP đã rõ nhưng chưa đủ |
Báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo luật là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất chính là quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP có nên chốt ở mức 200 tỷ đồng hay không. Một số ý kiến cho rằng quy định này là khó khả thi đối với các địa phương miền núi, các địa bàn khó khăn; không nên quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đáp ứng nhu cầu trong nhiều lĩnh vực, thu hút được NĐT trong nước và nước ngoài tham gia… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên mở rộng lĩnh vực đầu tư của dự án PPP theo hướng không chỉ giới hạn trong 7 lĩnh vực được đề xuất tại dự thảo luật mà mở rộng ra cả lĩnh vực khác như giáo dục, văn hoá, thể thao, môi trường, hạ tầng khu công nghiệp…
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế ở các quốc gia đã thành công với mô hình PPP cho thấy, đây không phải là phương thức đầu tư có thể áp dụng đại trà. Việc quy định quy mô vốn tối thiểu là cần thiết để bảo đảm mô hình đầu tư PPP đến đúng địa chỉ. GS. Akash Deep - Giảng viên cao cấp về chính sách công thuộc Đại học Havard (Hoa Kỳ) đánh giá, mức sàn 200 tỷ đồng là hợp lý vì chi phí chuẩn bị cho dự án PPP là rất cao. Ông cũng so sánh ngưỡng 200 tỷ đồng mà dự thảo luật đưa ra đã bám sát được với những mô hình thực tiễn trên thế giới và đang nằm ở phần thấp của ngưỡng khống chế quy mô dự án.
Qua tổng hợp các ý kiến, Bộ KH&ĐT cho rằng đa số quan điểm thống nhất như đề xuất của Chính phủ là cần hạn chế lĩnh vực, chỉ tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, khả thi và đã triển khai trong thực tế vừa qua; và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung lĩnh vực ngoài quy định nếu cần. Đồng thời thống nhất quy định hạn mức 200 tỷ đồng ngay tại luật và giao Chính phủ quy định chi tiết hạn mức cho từng lĩnh vực để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ theo từng thời kỳ kinh tế - xã hội.
Về sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, tại khoản 5 Điều 71 dự thảo Luật, đa số Đại biểu Quốc hội thống nhất việc tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành dự án thành phần hoặc hạng mục như đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định về mức trần của phần vốn nhà nước trong dự án PPP, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định về lập kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án PPP theo hướng có một dòng ngân sách riêng cho mục tiêu này.
Tuy nhiên Chính phủ kiến nghị giữ nguyên như dự thảo Luật, bởi khung pháp lý trong giai đoạn trước quy định mức trần vốn nhà nước là 30% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên rà soát, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, các dự án BOT, BTO, BT trong lĩnh vực giao thông vận tải hầu hết có kinh phí đầu tư lớn, nên việc khống chế mức vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 49% tổng mức đầu tư sẽ khó kêu gọi đầu tư.
Vì vậy, các văn bản pháp lý tiếp theo là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã gỡ bỏ mức trần này. Mà mức vốn nhà nước được xác định theo tính chất của từng dự án, căn cứ phương án tài chính cụ thể của dự án được nghiên cứu và khả năng bố trí vốn đầu tư công theo từng thời kỳ.
Về cơ chế chia sẻ doanh thu, dự thảo Luật quy định theo hướng điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế không như doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng. Đa số Đại biểu Quốc hội đồng thuận với sự cần thiết phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với NĐT được đề xuất tại dự thảo Luật.
Theo Bộ KH&ĐT, đây là nội dung mới, khó và là một trong các nội dung then chốt cần được tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi tại dự án Luật. Trong giai đoạn này, Chính phủ đề nghị bổ sung một số điều kiện thực hiện và trường hợp được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu, cụ thể là khi doanh thu thực tế bị ảnh hưởng bởi lỗi của phía Nhà nước. Về nguồn xử lý khi rủi ro phát sinh, dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng sử dụng nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn.
Còn theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đối với các dự án PPP lớn trong lĩnh vực giao thông, vấn đề khiến NĐT băn khoăn không chỉ là cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro, mà còn là nguồn vốn. Ông Thiên đề xuất, nếu đơn vị nào cam kết về chất lượng, trách nhiệm thì cơ quan quản lý Nhà nước phải hỗ trợ, kể cả việc đứng ra bảo lãnh để chủ đầu tư vay vốn ngân hàng.