Vững tin mục tiêu tăng trưởng GDP
UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% | |
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đạt 8,51% | |
Sản xuất công nghiệp quý II tăng trưởng ấn tượng |
“Dịch vụ trở lại, lợi hại hơn xưa”
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP 6 tháng vừa qua đạt 6,42% nhờ đà tăng trưởng khá trong quý I (tăng 5,03%) và đặc biệt là sự nhảy vọt trong quý II với mức tăng lên tới 7,72% - điều chưa từng xảy ra trong quý II của suốt 10 năm qua. Thiết nghĩ, tăng trưởng GDP 6 tháng là con số cần làm rõ - không đơn thuần chỉ để có sự đánh giá kỹ hơn về số liệu (đặc biệt là đóng góp từ ba khu vực kinh tế) mà qua đó, chúng ta có thể xem xét, xác định động lực nào cho tăng trưởng kinh tế cần tập trung trong thời gian tới.
Nhìn lại mức tăng GDP 5,64% của 6 tháng đầu năm 2021 thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; và khu vực dịch vụ tăng 3,92%, đóng góp 32,78%. Trong khi đó với mức tăng GDP 6,42% của 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 48,33%; và khu vực dịch vụ đóng góp 46,6%.
Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt 6,5 - 7% |
Số liệu chi tiết ở trên cho thấy sự thay đổi lớn trong mức tăng và đóng góp của các khu vực sau một năm. Trong đó, dù nông nghiệp và công nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực nhưng mức tăng thực tế đều giảm (nông nghiệp giảm 1,04%; công nghiệp giảm 0,66%), trong khi dịch vụ đã có sự phục hồi ngoạn mục với mức tăng khoảng 2,7% và quyền số đóng góp cũng trở lại mức cao nhất. "Chúng ta có được mức tăng trưởng 6,42% trong 6 tháng qua một phần quan trọng là nhờ sự phục hồi mạnh của khu vực dịch vụ. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp và công nghiệp vẫn tăng nhưng mức tăng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, phản ánh ảnh hưởng của việc tăng giá và khó khăn trong nước thời gian qua. Nếu không bị những ảnh hưởng khó khăn vừa qua thì các khu vực này sẽ tăng tốt hơn, qua đó tăng trưởng 6 tháng còn tốt hơn nữa“, Tổng cục Trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Một điểm dễ thấy trong những tháng vừa qua là khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch thì ngành dịch vụ cũng nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, nhất là hoạt động du lịch, đi lại trong nước. Những lĩnh vực từng ghi nhận tăng trưởng âm trong quý II năm trước nay đã có mức tăng trưởng hai con số, như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 30%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%...
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng TCTK, cùng với sự phục hồi ấn tượng của khu vực dịch vụ, động lực và đóng góp của các ngành, lĩnh vực khác cũng rất đáng kể. Như trong sản xuất công nghiệp, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng trưởng hai con số so cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 11,7% - là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây; giải ngân vốn FDI ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% và cũng là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua… Đáng chú ý, số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao (đạt 116,9 nghìn DN, tăng 25,4%), tạo đà cho phát triển trong các quý tiếp theo.
Giữ được các động lực
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, nền kinh tế đang hồi phục và các động lực đều cho thấy khả năng hồi phục mạnh hơn. “Các động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện nay khá tốt, cả từ phía cung (chế biến-chế tạo và dịch vụ) lẫn phía cầu gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng”, TS. Lực nói.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nền kinh tế hiện đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro lớn. Bên cạnh mối đe dọa lớn nhất là áp lực lạm phát tăng cao và các biện pháp kiểm soát lạm phát thời gian tới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV thì việc duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh đầu tư công… cũng sẽ không dễ dàng. Đơn cử, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 dù vẫn giữ được xuất siêu 710 triệu USD, nhưng mức này hiện thấp hơn nhiều so với mức xuất siêu 5,86 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020 (năm bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19). Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng quan trọng như rau quả, hạt điều, chè, sản phẩm từ cao su… giảm khá mạnh.
Tại Hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đều cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm tương đối khả quan, nhưng có rất nhiều thách thức trong những tháng tới. Đặc biệt theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch được kỳ vọng là cứu cánh cho nền kinh tế nhưng tốc độ phục hồi như hiện nay là chậm, đặc biệt ở mảng thu hút khách du lịch quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần các chính sách và giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ cho ngành du lịch phục hồi nhanh hơn. Một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là làm sao hút được khách quốc tế đến, thông qua giá và chất lượng tour, cũng như cần xem xét kéo dài thời gian miễn visa lên 30 ngày để “giữ chân” khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên về cơ bản, các chuyên gia tin tưởng có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022. Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và mức độ bao phủ vắc-xin cao, điều nay đã giúp Việt Nam sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý II và 6 tháng/2022. Điều này chính là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Theo TS. Cấn Văn Lực, mặc dù các thách thức và khó khăn còn nhiều song với các động lực đang có, và đặc biệt là nếu thực hiện hiệu quả phần kế hoạch năm nay trong Chương trình phục hồi thì tăng trưởng có thể lên mức 6,5-7% ở kịch bản tích cực; thấp hơn cũng có thể đạt 6 - 6,5%.
Ông Lê Trung Hiếu nhận định: “Chúng tôi tin tưởng, tiếp đà phát triển trong quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao và quý IV nếu không có những biến cố lớn khả năng kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt, đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6 - 6,5%”.