Để tránh bẫy giá trị gia tăng thấp
Việt Nam sẽ sạch và xanh hơn nhờ TPP | |
TPP: Từ kỳ vọng đến bài toán “lột xác” | |
Tận dụng cơ hội TPP: Không thể nước đến chân mới nhảy |
Việt Nam đang loanh quanh ở khúc hạ nguồn
“Việt Nam đã và đang nằm trong bẫy giá trị gia tăng thấp”, TS. Phạm Minh Đức – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định như vậy và nói thêm “đây không phải là câu chuyện mới, là câu chuyện đã lâu rồi. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của các FTA và TPP để thoát bẫy hay không”.
“Ngay như ngành dệt may – một ngành sẽ được hưởng lợi nhất từ TPP nhưng số DN tham gia chuỗi cung ứng quá ít, đa phần các DN vẫn chỉ là làm gia công. Chưa nói tới chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, chỉ nói một phần trong đó là chuỗi cung ứng thôi thì thấy DN Việt Nam cũng chỉ tham gia được ở khúc hạ nguồn của chuỗi cung ứng”, ông Đức chỉ ra. Nhìn lại ngành dệt may hiện có tới 70% DN đang gia công và 90% số DN gia công này là các DN làm theo hợp đồng.
“Lâu nay chúng ta rất lo lắng cho tương lai xấu nếu rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tìm đường tránh bẫy. Nhưng nếu không sớm thoát được bẫy giá trị gia tăng thấp hay còn gọi là bẫy gia công đang hiện hữu thì chắc chắn sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, TS. Đức nhắc đi nhắc lại với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
DN mới là “người cầm lái” cỗ xe hội nhập |
Không những vậy, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may là nhập khẩu, công đoạn cung ứng thượng nguồn của sản xuất trong nước kém phát triển làm cho Việt Nam lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Đã vậy, phần lớn nguồn nguyên liệu mà Việt Nam nhập khẩu lại nằm ngoài lãnh thổ các quốc gia thành viên TPP – có nghĩa, Việt Nam đã không tận dụng được sự ưu đãi của TPP.
Trong khi nhiều người đang đi đặt câu hỏi làm sao, làm gì để vượt qua thách thức, tận dụng được vận hội mà TPP mang lại, TS. Đức nói rằng “Lúc này, vấn đề quan trọng nhất không chỉ là tìm cách hưởng lợi mà quan trọng là phải nhanh chóng, khẩn trương nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của DN. Không nâng được sức cạnh tranh sẽ không tham gia được vào cuộc chơi một cách mạnh mẽ, sẽ không làm chủ được cuộc chơi”.
Như vậy, nếu không làm chủ được cuộc chơi ắt sẽ bị xô đẩy, chèn lấn.
“Lợi ích luôn luôn hiển hiện nhưng lợi ích thực sự phụ thuộc vào khả năng DN có nắm bắt và chớp được cơ hội hay không”, ông Đức nói.
Vận hội đang trông chờ ở DN
“TPP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là không đủ khả năng để chớp được vận hội đang mở ra”, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. Ông nói, nhìn lại việc thực thi các FTA đã ký thì thấy DN ta chưa tận dụng nổi 30% cơ hội khi thuế giảm”.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI thì lại bày tỏ “nhiều lý do để lo lắng”. Lo lắng đầu tiên là tỷ lệ DN ủng hộ TPP rất cao và tỷ lệ này theo điều tra của VCCI sẽ được công bố tới đây, hiện là 70% và “đang tăng lên nhanh chóng”. Đa số DN rất lạc quan với TPP. Nhưng sự lạc quan và ủng hộ của DN thực chất chỉ là sự hứng khởi và hứng khởi thì sẽ qua mau – đây là bài học đã thấy từ WTO.
Kết quả điều tra cho thấy 70% số DN hiểu biết về TPP rất sơ sài. Phần lớn DN không hiểu về TPP. DN biết đến TPP là nhờ báo chí trong khi đây là một hiệp định quá phức tạp với 30 chương và hơn 6.000 trang văn bản trong đó có nhiều vấn đề quy định ở nhiều phần khác nhau trong hiệp định mà phải đọc hết mới hiểu đúng các quy định này.
“Không thể chỉ nói cơ hội thách thức chung chung mà phải rất cụ thể và chi tiết, phải xem cơ hội và thách thức cho từng sản phẩm, từng ngành hàng”, bà Anabel Gonzalez, Giám đốc cấp cao Ban Cạnh tranh và Thương mại của WB phát biểu. Bà gợi ý cụ thể là phải nghiên cứu kỹ các quy định như quy định về thuế, về xuất xứ của từng sản phẩm, quy định về lao động, về môi trường… chỉ cho DN để xem cần phải làm gì để tận dụng được cơ hội từ TPP ví như phải thay đổi nguồn gốc nguyên liệu thế nào để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của TPP.
Bà Anabel bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ bước lên được nấc thang cao hơn và nhấn mạnh DN mới là “người cầm lái” cỗ xe hội nhập. Người cầm lái cần Nhà nước hỗ trợ nâng cao năng lực, Nhà nước tạo môi trường thông thoáng để xe đi đến đích an toàn.
Thách thức cạnh tranh với DN đang tăng lên hàng ngày dù TPP chưa đi vào thực hiện và khả năng bị lấn ngay trên sân nhà cũng đang tăng lên.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DNNVV đang đầy bất lợi thể hiện ở sự bất bình đẳng với DNNN và những trở ngại trong môi trường kinh doanh xấu cũng như quá trình thực thi kém hiệu qủa do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Vì vậy, vấn đề còn lại là ở phía thực thi, là phải cải cách mạnh mẽ, là phải hỗ trợ DN phát triển. Chính những hạn chế về bộ máy và con người trong Nhà nước có thể cản trở việc thực hiện TPP. Hiện, DNNVV đang cố chạy tìm mối quan hệ hơn là đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh - bà Lan buồn rầu nói.
“Sự chuyển động của cơ quan Nhà nước trước TPP chậm quá. Cơ quan Nhà nước còn chưa chuyển tức là DN chúng tôi còn phải đợi chờ. Vấn đề đầu tiên vẫn phải là thay đổi thể chế”, ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản thúc giục.