Để Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin
Tạo vòng khép kín cho dịch vụ ngân hàng | |
Kinh tế không tiền mặt: Giải pháp cho tương lai gần | |
Phát triển đồng bộ giải pháp TTKDTM |
Không ai bị bỏ lại phía sau
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các NH. Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2017 (VEPF 2017) Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, thương mại điện tử nói chung và thanh toán di động nói riêng là xu thế tất yếu. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích, tiện ích cho nhiều chủ thể, cho đất nước và mọi người dân, đặc biệt với người có thu nhập thấp. Thanh toán di động sẽ có sự bùng nổ thời gian tới không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chính phủ cam kết sớm thực thi, hoàn thiện tài chính toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử để “Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin”.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, ông đồng tình với Chủ tịch Tập đoàn Alibaba về quan điểm thanh toán điện tử (TTĐT) nói chung và TTKDTM nói riêng còn mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế. Do đó, các cơ quan, bộ, ngành cần nghiên cứu thêm việc phát triển TTĐT và TTKDTM này đối với việc quản lý nền kinh tế phi chính thức. Quản lý được khu vực này sẽ khiến nền kinh tế trở nên minh bạch hơn, chống xói mòn cơ sở thuế theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trong kinh doanh và nghĩa vụ đóng góp thuế cho nhà nước.
Song cũng cần lưu ý rằng, thanh toán di động sẽ là tất yếu và bùng nổ nếu như mang lại lợi ích cho tất cả chủ thể trong hệ sinh thái. Với Việt Nam, các NHTM, TCTD chủ yếu còn sống dựa vào tăng trưởng tín dụng, các dịch vụ NH phi tín dụng tỷ trọng còn rất ít. Mỗi khi một chủ thể nào đó tham gia hệ sinh thái này còn nghĩ tới cái tôi của mình thì không thể phát triển được việc này, mặc dù đó là xu thế tất yếu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thuận với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Thành Hưng cho rằng có điểm tương đồng trong mối quan hệ giữa nhà mạng và các DN OTT (Over - the - top, thuật ngữ chỉ các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet). Theo ông Hưng, OTT phát triển đã mang lại nỗi “sợ hãi” lớn cho nhà mạng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhà mạng và DN OTT đã có sự hợp tác để cùng nhau phát triển. Do đó, việc ủng hộ các DN Fintech sẽ tạo nên hạ tầng tốt để phát triển TTĐT.
Phó tổng giám đốc Napas Nguyễn Đăng Hùng thông tin thêm, hiện đơn vị này đang triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động. Không chỉ giúp cho NH mà còn hỗ trợ các đơn vị trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ đơn giản hoá kết nối, chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ NH… Napas cũng đang phát triển hệ thống nền tảng số hoá Tokenization và QR Code nhằm tăng mức độ an toàn, bảo mật các giao dịch trên nền tảng Internet. Napas cùng các cộng sự sắp tới sẽ đưa ra mã QR Code chung, thống nhất, để người dùng chỉ cần 1-2 mã QR Code là có thể thanh toán.
Tận dụng cơ hội, thời gian
Là đơn vị đóng vai trò chủ đạo trong phát triển TTKDTM, tất yếu ngành Ngân hàng không đứng ngoài cuộc chơi mobile payment. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, ngành NH đã, đang thực hiện những biện pháp cụ thể, tạo điều kiện cho phát triển TTKDTM như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán thẻ với việc ban hành tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc; ban hành quy định, tiêu chuẩn chung cho thanh toán QR Code, nhận biết khách hàng điện tử... Cùng với đó các NH đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ, sản phẩm của cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt là ứng dụng điện toán đám mây, ứng dụng công nghệ mới như công nghệ lưu trữ Big Data tiến tới xây dựng một hệ thống NH kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
“Ngành NH chủ động, tích cực trong việc hội nhập để vừa tranh thủ công nghệ mới tiên tiến, kinh nghiệm, kỹ năng quản trị theo những bước đi, lộ trình phù hợp. Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ NH đại lý để khuyến khích tổ chức không phải là NH như Fintech tham gia các hoạt động dịch vụ NH, đặc biệt là dịch vụ thanh toán đối với vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, khu vực dân cư có thu nhập thấp”, Phó Thống đốc cho biết.
Trong xu thế 4.0, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng có “Ba từ 'S' quan trọng: đơn giản (simple), an toàn (safe) và hỗ trợ cùng nhau phát triển (support). “Hiện ba phương thức mà các NH sẽ trao đổi cùng Fintech là hợp tác, cạnh tranh sòng phẳng và kết hợp để tạo nên sinh thái tiện ích cho khách hàng, bản thân NH và DN”, ông Lực nói.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma – một trong những diễn giả được chờ đợi nhiều nhất tại VEPF lần này chia sẻ: Thế kỷ vừa rồi kinh tế thế giới đã được công nghiệp hóa, cách mạng hóa. Nhưng chỉ có 20% DN của các nước lớn là thành công, 80% DN nhỏ không thành công. Chúng ta có nên tiếp tục với tỷ lệ đó không? Câu trả lời của Chủ tịch Alibaba là không và hãy đảo ngược tình thế đó, phải dành cơ hội cho 80%.
Ông Jack Ma tâm sự: Muốn thành công chúng ta phải bao trùm, bao quát mọi mặt. Nếu quý vị muốn phát triển đất nước của quý vị thì phải làm sao để người trẻ được phát triển. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết để 80% chứ không phải là 20%. Đó chính là mục đích của TTĐT để vấn đề thanh toán di động thúc đẩy cho tài chính bao trùm. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề thì luôn luôn có con đường, luôn luôn có cách thức. Muốn làm là làm được, nếu không muốn làm thì cũng có cả triệu lý do để không làm…
Tỷ lệ người sử dụng internet, điện thoại ở Việt Nam ngày càng lớn, chính điều này khiến Chủ tịch Alibaba coi Việt Nam là miền đất hứa. Theo ông, Chính phủ nên tăng cường các công tác về logistics, giúp hỗ trợ giới trẻ trong việc phát triển kinh doanh, khởi nghiệp trên nền tảng đó. “Không ai là chuyên gia của tương lai, chúng ta chỉ là chuyên gia của ngày hôm qua. Ngày hôm nay, chúng ta nói tới thanh toán di động, nhưng ngày mai điện thoại di động sẽ không còn. Quan trọng nhất là chúng ta phải chắp cánh cơ hội, niềm tin cho giới trẻ… Dù thích hay không thì Việt Nam vẫn phải phát triển thương mại điện tử, thanh toán trên di động. Xã hội phi tiền mặt đã tới rất gần”, Chủ tịch Alibaba nhấn mạnh.