Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/1
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/1 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 23/1, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.879 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.515 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.200 VND/USD, không thay đổi so với phiên 22/1. Tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.200 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 23/1, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 4,70%; 1 tuần 4,79%; 2 tuần 4,86% và 1 tháng 5,02%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch với mức: qua đêm 2,49%; 1 tuần 2,57%; 2 tuần 2,67%, 1 tháng 2,83%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể giao dịch tại: 3 năm 3,65%; 5 năm 3,85%; 7 năm 4,13%; 15 năm 5,13%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 11.550 tỷ đồng. Trong ngày có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 1.550 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 67.463 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.195 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tỷ lệ trúng thầu 89%. Trong đó, kỳ hạn 15 năm huy động được toàn bộ 4.500 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm và 30 năm huy động được 1.300 và 395 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu 65% và 79%.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm và 15 năm lần lượt tại 4,17% và 5,12%, giảm từ 2 điểm đến 18 điểm phần trăm; kỳ hạn 30 năm tại 5,8%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với phiên 16/1/2018.
Thị trường chứng khoán mặc dù trạng thái chủ đạo trong phiên sáng vẫn là giằng co trong biên độ hẹp, về cuối phiên giao dịch các chỉ số bất ngờ nhận được lực đỡ khá tốt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,63 điểm (+0,18%) lên 908,18 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,13%) lên 102,67 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch gần 2.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trên 112 tỷ đồng trên cả 2 sàn phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Ngày 23/1, Bộ Tài chính đã thông tin về cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2019, cho biết Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng 3,3 - 3,9% (chỉ tiêu của Quốc hội là lạm phát bình quân tăng khoảng 4%), kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6 - 1,8%.
Tin quốc tế
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng sự mở rộng của kinh tế đang yếu đi song không đủ để kết luận về một cuộc suy thoái. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - đang giảm tốc, đồng thời chính phủ nước này gần như bất lực trong việc kìm hãm đà giảm.
Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh sẽ làm nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp, một số khác không thắt chặt và sẽ không có đủ không gian để phản ứng nếu một cuộc suy thoái nữa xuất hiện.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Khu vực đồng Euro trong tháng 12 đã giảm xuống mức -8 điểm, thấp hơn so với mức -6 của tháng 11 đồng thời là dự báo của các chuyên gia. Đây vẫn là mức cao, trên trung bình đang ở mức -11,3 điểm. Thị trường kỳ vọng cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB ngày 23-24/1 có thể đưa ra những chính sách khắc phục.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BoJ giữ nguyên mức lãi suất -0,1% trong phiên họp chính sách tháng 1. Tuy nhiên, BoJ nhận định mức lãi suất thấp, tăng chi tiêu chính phủ và tăng cường hợp tác toàn diện với các nước trong khu vực đang giữ cho nền kinh tế Nhật Bản không bị giảm tốc trong năm 2019 và 2020.