Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/1
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/1 |
Tổng quan
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 19 doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
Về tình hình cổ phần hóa, tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2018), có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 13 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp.
Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.934 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.543 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.477 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.204 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.293 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.843 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 125 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5,8 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, tính đến ngày 20/12/2018, các doanh nghiệp đã thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.576 tỷ đồng, thu về 15.822 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.419 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại 25 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực phải thoái khác được 1.395 tỷ đồng, thu về 3.017 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 9 doanh nghiệp với giá trị 2.761 tỷ đồng, thu về 10.011 tỷ đồng, trong đó có 2 khoản thoái vốn thu về giá trị lớn là thoái 144 tỷ đồng tại công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, thu về 2.329 tỷ đồng và thoái 2.549 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex thu về 7.366 tỷ đồng.
Từ khi ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 về Phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đến nay, đã có 35 doanh nghiệp nhà nước và 32 doanh nghiệp thuộc 2 Tập đoàn (EVN, TKV) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 7 Tập đoàn, Tổng công ty.
Qua các con số có thể thấy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất chậm so với kế hoạch. Điển hình là, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018) mới cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 5 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị).
Theo Bộ Tài chính, ngoài lý do chủ quan từ chính lãnh đạo các doanh nghiệp được cổ phần hóa, một nguyên nhân khiến quá trình này diễn ra chậm trễ là do những vướng mắc về tài chính, đất đai. Nhiều mảnh đất của doanh nghiệp nhà nước trước kia được giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng thiếu giấy tờ, do đó, việc xác nhận lại hồ sơ pháp lý của các mảnh đất này kéo dài hơn dự kiến, làm chậm tiến trình cổ phần hóa.
Nhiều địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương, dẫn đến việc phê duyệt quyết định cổ phần hóa của doanh nghiệp không kịp tiến độ.
Các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp (xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai...), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Ngoài ra, một yếu tố cản trở sự hấp dẫn các nhà đầu tư là bởi tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước vẫn quá lớn. Các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào những doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm quyền quản lý. Do đó, theo các chuyên gia, để cổ phần hóa đi vào thực chất, ít nhất phải giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống dưới 65%, hoặc thậm chí là dưới 50%, khi đó khối tư nhân mới nắm được doanh nghiệp đó và có thể đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh của chính họ.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 14-18/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh liên tục qua các phiên. Chốt tuần 18/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.862 VND/USD, tăng mạnh 27 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.498 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng vẫn không biến động nhiều, giao dịch xung quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước trong tuần vừa qua. Chốt tuần 18/1, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục gần như không thay đổi qua các phiên trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 18/1, tỷ giá giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.190 VND/USD - 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND giảm mạnh phiên đầu tuần và tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần trong khi biến động nhẹ ở các phiên còn lại với tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 18/1, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,46% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 4,59% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 4,74% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 4,99% (+0,01 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đối với USD ít biến động trong tuần qua, đặc biệt ở các phiên giữa tuần. Cuối tuần 18/01, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,50% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 2,61% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,70/% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,84% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 14-18/1, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 54.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 52.815 tỷ đồng. Trong tuần có 47.853 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 4.962 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 52.815 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động được toàn bộ 11.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu ở các kỳ hạn từ 5 năm đến 20 năm. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 3,82% (giảm 38 điểm so phiên có khối lượng trúng thầu gần nhất); kỳ hạn 10 năm tại 4,84% (giảm 17 điểm); kỳ hạn 15 năm tại 5,14% (giảm 16 điểm); kỳ hạn 20 năm tại 5,6%. Tỷ lệ đặt thầu khá cao từ 4,3 đến 4,7 lần tùy từng kỳ hạn.
Thị trường chứng khoán tuần qua lại chìm trong sắc đỏ khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 18/01, VN-Index đứng ở mức 902,30 điểm, giảm nhẹ 0,41 điểm (-0,05%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,30%), xuống mức 101,56 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện với giá trị giao dịch ở mức thấp trên 3.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh trên 690 tỷ đồng ở cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tuần qua thế giới đón nhận tin Phó Thủ tướng Trung Quốc đến Mỹ đề tiếp tục đàm phán thương mại vào cuối tháng 1, đồng thời Hội nghị G20 đưa ra được tuyên bố chung về bảo hộ thương mại.
Nước Mỹ đang mất đà tăng trưởng nhanh chóng mặt khi Chính phủ liên tiếp đóng cửa gần một tháng qua. Tổng thống Donald Trump không hề cho thấy sự nhượng bộ nào trong việc kêu gọi khoản tiền đầu tư cho bức tường biên giới.
Tại Anh, Thủ tướng Theresa May thất bại trong cuộc bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit, song vẫn vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chính phủ của bà May đang nỗ lực tìm kế hoạch dự phòng cho Brexit khi ngày rời khỏi liên minh châu Âu không còn xa.