Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 27/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.065 VND/USD, tăng mạnh 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.707 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.320 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên 26/6. Tỷ giá tự do tiếp tục tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.300 - 23.330 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 27/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng 0,05 - 0,17 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; giao dịch tại: qua đêm 3,80%; 1 tuần 3,88%; 2 tuần 3,98% và 1 tháng 4,10%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 2,53%; 1 tuần 2,63%; 2 tuần 2,71%, 1 tháng 2,82%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm tại kỳ hạn 15 năm, giao dịch tại: 3 năm 3,59%; 5 năm 3,87%; 7 năm 4,17%; 10 năm 4,66%; 15 năm 5,01%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 8.000 tỷ đồng tín phiếu vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 7.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 37.999 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán trong phiên hôm qua khá tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều giảm điểm, đặc biệt VN-Index giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 16,02 điểm (-1,67%) xuống 943,11; HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,95%) xuống 102,96 điểm; UPCOM-Index giảm 0,28 điểm (-0,51%) xuống 55,11 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 19 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được ký vào ngày 30/6/2019. Theo Bộ Công Thương, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định có thể sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định; kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Tin quốc tế
GDP chính thức quý I của Mỹ tăng 3,1%, khớp với số liệu sơ bộ và dự báo của các chuyên gia. Nhà Trắng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,0% trong năm 2019, lạc quan hơn nhiều so với dự báo của IMF và World Bank lần lượt ở mức 2,3 và 2,5%.
Trên thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 22/06 ở mức 227.000 đơn, cao hơn so với 216.000 đơn của tuần trước đó và dự báo ở mức 220.000 đơn. Tiếp đến thị trường bất động sản, số nhà chờ bán tại Mỹ trong tháng 5 tăng 1,1% so với tháng trước sau khi giảm 1,5% ở tháng 4, khớp với dự báo.
Chỉ số CPI sơ bộ Đức tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 6, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 5 đồng thời là dự báo của các chuyên gia, và tăng 1,6% so với cùng kỳ. Chỉ số CPI hài hòa sơ bộ của nước này ở mức 0,1% so với tháng trước và 1,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức mục tiêu 2,0% của NHTW châu Âu ECB. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát của Đức sẽ dần giảm tốc về mức 1,0% trong năm nay.
Trong tháng 5, doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng 1,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức 0,5% của tháng 4 và khớp với kỳ vọng.