Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/9
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/9 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 30/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.161 VND/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.806 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.201 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên 27/9. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,33 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần trong khi tăng 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần và không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước; giao dịch tại: qua đêm 1,84%; 1 tuần 2,43%; 2 tuần 2,63% và 1 tháng 3,07%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần; giao dịch tại: qua đêm 2,07%; 1 tuần 2,19%; 2 tuần 2,32%, 1 tháng 2,43%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở kỳ hạn 5 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại so với phiên 27/09, giao dịch tại: 3 năm 2,92%; 5 năm 3,0%; 7 năm 3,68%; 10 năm 4,03%; 15 năm 4,29%.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 15.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có gần 12.000 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 3.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 72.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,50%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường trái phiếu ngày 30/9, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thành công toàn bộ 880 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh gọi thầu, kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu ở mức 4,7%/năm - tăng nhẹ 5 điểm so với phiên trước đó. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 1,7 lần, với 5 thành viên tham gia đặt thầu.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua giao dịch khởi sắc trong phiên sáng với việc VN-Index vượt mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,28 điểm (-0,13%) xuống 996,56 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,27%) lên 105,05 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,28%) xuống 56,78 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 75 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2019, cả nước có 11.787 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 140,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% về số doanh nghiệp và giảm 7,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, giảm 12,1%.
Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%.
Tin quốc tế
Hãng tin Bloomberg đưa tin phát ngôn viên Bộ Tài chính Monica Crowley có cuộc gọi điện tới cho biết Chính phủ Mỹ hiện không có kế hoạch cấm các công ty Trung Quốc niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch Mỹ.
Trước đó, khi Trung Quốc chưa xác định được thông tin ban đầu là chính xác hay không, nước này đưa ra nhận định cho rằng lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ sẽ làm cả hai bên cùng chịu thiệt hại.
GDP chính thức của Anh giảm 0,2% trong quý II, không thay đổi so với dữ liệu sơ bộ và khớp với dự báo. Điều đáng lo ngại hơn là cán cân vãng lai của anh trong quý 2 thâm hụt 25,2 tỷ GBP sau khi thâm hụt 33,1 tỷ ở quý I, sâu hơn mức thâm hụt 19,2 tỷ theo dự báo. Theo ước tính, mức thâm hụt của tháng 9 tương đương với 4,6% tổng giá trị GDP của nước này.
Doanh số bán lẻ của Nhật Bản trong tháng 8 tăng 4,8% so với tháng trước hay 2,0% so với cùng kỳ năm trước, trái với đợt giảm sút 2,0% so với cùng kỳ năm trước ở tháng trước đó và vượt xa so với kỳ vọng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước của các chuyên gia.
Trái lại, sản lượng ngành công nghiệp Nhật Bản giảm 1,2% so với tháng trước trong tháng 8 sau khi tăng 1,3% trong tháng 7, sâu hơn mức giảm 0,5% theo dự báo.