Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/4 |
Tin trong nước
Trên thị trường ngoại tệ, phiên 03/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.030 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.671 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.250 VND/USD, giảm 8 đồng so với phiên 02/5. Tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.270 – 23.290 VND/USD.
Với thị trường tiền tệ LNH, ngày 03/5, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng mạnh 0,23 – 0,33 đpt ở các kỳ hạn từ ON đến 1M so với phiên trước đó; giao dịch tại: ON 3,68%; 1W 3,77%; 2W 3,82% và 1M 3,92%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch với mức: ON 2,53%; 1W 2,63%; 2W 2,69%, 1M 2,83%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3Y, 7Y và 10Y trong khi tăng ở các kỳ hạn 5Y và 15Y, giao dịch tại 3Y 3,55%; 5Y 3,86%; 7Y 4,19%; 10Y 4,73%; 15Y 5,08%.
Nghiệp vụ thị trường mở, phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, các TCTD hấp thụ được 404 tỷ đồng. Trong ngày có 306 tỷ đồng đến hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 98 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố, đưa số dư trên kênh này tăng lên mức 515 tỷ đồng. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, số dư trên kênh tín phiếu giữ nguyên ở mức 49.999 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua sắc đỏ bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến các chỉ số tiếp tục điều chỉnh giảm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,45%) xuống còn 974,14 điểm; HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%) xuống còn 106,87 điểm; UPCOM-Index giảm 0,13 điểm (-0,23%) xuống 55,77 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.700 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên 56 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo số liệu của Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng từ 51,9 điểm trong tháng 3 lên 52,5 điểm trong tháng 4, mức cao nhất 4 tháng, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất.
Tin quốc tế
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 giảm xuống 3,6% từ mức 3,8% của tháng 3, là mức thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1969. Bên cạnh đó số việc làm khu vực phi nông nghiệp tăng thêm 263.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với mức 189.000 của tháng trước đó và mức 181.000 theo dự báo. Thu nhập bình quân của người dân Mỹ tăng lên 0,2% m/m, bằng với mức tăng của tháng 3 và thấp hơn so với mức dự báo 0,3%. Tuy nhiên, sự mở rộng của lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ giảm tốc trong tháng 4 khi tổ chức ISM báo cáo chỉ số PMI ngành này đạt 55,5%, giảm xuống từ mức 56,1% của tháng 3 và thấp hơn mức kỳ vọng 57,2%.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ nước Anh ở mức 50,4 điểm, tăng nhẹ so với mức 48,9 điểm của tháng 3 đồng thời khớp với dự báo.
Lượng đơn cấp phép xây dựng của Úc giảm 15,5% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 19,1% trong tháng trước đó, đồng thời sâu hơn mức dự báo giảm 12,5%.