Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 9/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.051 VND/USD, tiếp tục tăng 5 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.693 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.390 VND/USD, tiếp tục tăng 10 đồng so với phiên 8/5. Tỷ giá tự do tăng mạnh 50 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.390 - 23.410 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 9/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,07 - 0,11 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng so với phiên trước đó; giao dịch tại: qua đêm 3,62%; 1 tuần 3,75%; 2 tuần 3,82% và 1 tháng 3,98%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở kỳ hạn 1 tháng trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn hơn; giao dịch với mức: qua đêm 2,53%; 1 tuần 2,63%; 2 tuần 2,69%, 1 tháng 2,80%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3 năm, 7 năm và 10 năm, trong khi tăng ở các kỳ hạn 5 năm và 15 năm, giao dịch tại: 3 năm 3,59%; 5 năm 3,93%; 7 năm 4,20%; 10 năm 4,74%; 15 năm 5,08%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Trong ngày có 111 tỷ đồng đáo hạn, số dư trên kênh cầm cố giảm xuống mức 404 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 12.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 7 ngày lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 7.600 tỷ đồng. Trong ngày có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống còn 31.787 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 7.289 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, áp lực bán mạnh diễn ra, đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu khiến các chỉ số nới rộng sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,21 điểm (-0,44%) xuống còn 947,01 điểm; HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,61%) xuống 105,26 điểm; UPCOM-Index giảm 0,23 điểm (-0,42%) xuống 54,87 điểm.
Thanh khoản thị trường bật tăng nhờ giao dịch thỏa thuận của khối ngoại với tổng giá trị giao dịch đạt gần 6.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp gần 100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã thực hiện ký kết 1 hiệp định vay vốn nước ngoài, trị giá khoảng 188,36 triệu USD. Tính đến ngày 20/4/2019, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi năm 2019 khoảng 915 triệu USD, tương đương khoảng 21.004 tỷ đồng.
Ngày 9/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức "ổn định" lên "tích cực". Mức xếp hạng của Việt Nam vẫn duy trì ở "BB".
Tin quốc tế
PPI chung và PPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,2% và 0,1% so với tháng trước trong tháng 4, thấp hơn mức tăng 0,6% và 0,3% của tháng trước đó, trong khi được dự báo cùng tăng 0,2%.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại nước này trong tháng 3 tiếp tục thâm hụt 50,0 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt 49,4 tỷ USD trong tháng 2, tuy nhiên vẫn tích cực hơn mức dự báo thâm hụt 51,4 tỷ USD.
Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu Mỹ tuần kết thúc ngày 3/5 ở mức 228.000 đơn, thấp hơn mức 230.000 của tuần trước đó nhưng cao hơn mức 215.000 dự báo.
Niềm tin tiêu dùng của Nhật ở mức 40,4 điểm trong tháng 4, giảm nhẹ từ 40,5 điểm của tháng 3, tuy nhiên cao hơn mức 40,3 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin thấp nhất của người dân nước này kể từ tháng 3/2016.
Chỉ số CPI của Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua và khớp với dự báo, sau khi tăng 2,3% ở tháng 3. Lạm phát hiện tại của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 6 tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, chỉ số PPI của Trung Quốc cũng tăng 0,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức 0,4% của tháng 3 đồng thời cao hơn mức 0,6% theo dự báo.