Điểm lại thông tin kinh tế tuần 26-30/11
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/11 |
Tổng quan
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2018 giảm nhiều nhất 9 năm, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa cả nước đạt mức kỷ lục. Mặc dù CPI tháng 11 giảm 0,29% so với tháng trước, song CPI bình quân 11 tháng năm 2018 vẫn tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 11/2018 tăng 3,24% so với tháng 12/2017 và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu so sánh với tháng 10/2018, CPI tháng này đã giảm 0,29%, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,81% do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 06 và 21/11/2018, làm giá xăng dầu giảm 4,1%, tác động CPI chung giảm 0,17%.
Lý do khác khiến CPI tháng 11 giảm là nhờ nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%, chủ yếu do giá gas giảm 9,18%, giá điện sinh hoạt giảm 0,64% và giá dầu hỏa giảm 0,97%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% cũng góp phần làm CPI tháng này giảm. Trong đó lương thực tăng 0,27% do giá gạo tăng 0,25%; thực phẩm giảm 0,3%. Nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm 0,06%.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Như vậy, CPI năm 2018 ở mức 4% là hoàn toàn khả thi khi CPI 11 tháng mới chỉ ở mức 3,46%, và Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm kiềm chế lạm phát.
Về thương mại, tháng 11/2018 các nước ước tính nhập siêu 400 triệu USD, tính chung 11 tháng xuất siêu 6,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 21,60 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước khi kim ngạch xuất khẩu phần lớn các mặt hàng trong tháng giảm so với tháng trước, giảm mạnh nhất là sắt thép giảm 30,8%; xăng dầu giảm 12,7%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 8,3%; hàng dệt may giảm 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 tăng 7,8%. Tính chung 11 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11 ước tính đạt 22,0 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 tăng 12,7%. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 216,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 11 tháng: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 38,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; vải đạt 11,8 tỷ USD, tăng 13,6%; sắt thép đạt 9,2 tỷ USD, tăng 10,2%; chất dẻo đạt 8,3 tỷ USD, tăng 20,9%; xăng dầu đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,4%; kim loại thường đạt 6,8 tỷ USD, tăng 28,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 5,3 tỷ USD, tăng 6,2%; hóa chất đạt 4,7 tỷ USD, tăng 27,8%.
Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 11 tháng đạt trên 440 tỷ USD, vượt mức dự báo cho cả năm hồi giữa tháng 11 ở mức tăng 10-12%, đạt khoảng 239-240 tỷ USD của Bộ Công Thương, đồng thời khả năng đạt được con số 475 tỷ USD như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rất lớn.
Không chỉ là đạt kim ngạch xuất nhập khẩu cao, mà có thể, năm nay cũng sẽ đạt kỷ lục về xuất siêu. Hiện tại, sau 10 tháng, Việt Nam đã xuất siêu trên 6,4 tỷ USD. Cả năm, do những tháng cuối năm thường nhập khẩu lớn, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cho các dịp lễ, Tết, nên xuất siêu sẽ chậm lại, thậm chí có thể có tình trạng nhập siêu.
Tuy nhiên, theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm nay, Việt Nam có thể xuất siêu tới 5 tỷ USD. Nếu vậy, đây sẽ là mức xuất siêu cao nhất từ trước tới nay.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 26-30/11, Ngân hàng Nhà nước gần như không thay đổi tỷ giá trung tâm. Chốt tuần 30/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.750 VND/USD, tăng nhẹ 7 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.383 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ phiên đầu tuần, sau đó giảm ở các phiên còn lại. Chốt tuần 30/11, tỷ giá giao dịch ở mức 23.314 VND/USD, giảm 18 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do, đặc biệt tỷ giá mua vào, gần như không thay đổi qua các phiên trong tuần. Kết thúc ngày 30/11, tỷ giá giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.400 VND/USD - 23.420 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn dài hơn so với phiên cuối tuần trước đó. Chốt tuần 30/11, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,57% (-0,26 điểm phần trăm); 1 tuần 4,75% (-0,11 điểm phần trăm); 2 tuần 4,88% (không thay đổi); 1 tháng 4,98% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD vẫn tiếp tục ổn định ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 30/11, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,30% (không thay đổi); 1 tuần 2,40% (không thay đổi), 2 tuần 2,50/% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,67% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 26/11 - 30/11, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 49.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 44.785 tỷ đồng. Trong tuần có 63.655 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 18.870 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua thông qua kênh cầm cố, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 44.785 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên mức 28.960 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 5.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 3 loại kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 loại kỳ hạn dài với 2.600 tỷ đồng mỗi loại. Kết quả, huy động được 2.546 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và 1.110 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm (đạt tỷ lệ trúng thầu 64%). Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ, cụ thể kỳ hạn 10 năm 5,10% (+0,10 điểm phần trăm) và kỳ hạn 15 năm 5,30% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch trái chiều khi VN-Index tăng trong 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại vào cuối tuần, trong khi diễn biến ngược lại xảy ra với HNX-Index. Mặc dù vậy, cả 2 chỉ số đều chốt tuần với sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 30/11, VN-Index đứng ở mức 926,54 điểm, tăng 8,57 điểm (+0,93%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,55 điểm (+0,53%), lên mức 104,82 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 3.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên 177 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, bất chấp tín hiệu “bồ câu” từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed Jerome Powell, đồng USD vẫn mạnh lên trước thềm đàm phán Mỹ - Trung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra vào ngày 30/11 - 1/12.
Bên cạnh đó, rủi ro nợ nần Italy và tương lai kế hoạch Brexit khiến EUR và GBP suy yếu, cũng góp phần vào đà tăng của USD trong tuần qua.
Kết thúc cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 vào tối thứ Bảy ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi đến một thỏa thuận “đình chiến” thương mại trong vòng 90 ngày.
Trong tuần này, Chủ tịch Fed sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về triển vọng kinh tế vào thứ Tư ngày 5/12. Thị trường sẽ chờ đợi xem ông Powell có tiếp tục kiên định với thông điệp mềm mỏng đưa ra vào tuần trước hay không.