Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/12
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/12 |
Tổng quan
Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất 10 năm trong năm 2018 và có khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu - giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020.
Trong ấn bản bổ sung cho Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2018 vừa phát hành, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB duy trì dự báo tăng trưởng cho khu vực ở mức 6% cho năm 2018 và 5,8% cho năm 2019. Riêng với Việt Nam, ADB đưa ra hai con số cao hơn mặt bằng chung của khu vực là 6,9% cho năm nay và 6,8% cho năm 2019.
Những con số này đã được ADB điều chỉnh giảm, bởi hồi đầu năm, ADB đã rất lạc quan khi đưa ra nhận định GDP Việt Nam thậm chí có thể đạt đến 7,1%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu Chính phủ đề ra.
Khác với mức dự báo thấp của WB hay ADB, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra mức dự báo cao hơn. Cụ thể, mức tăng trưởng theo NCIF sẽ trong khoảng 6,9 - 7,1% trong giai đoạn tiếp theo. NCIF cho rằng nền kinh tế được hỗ trợ bởi 3 động lực bao gồm phát triển khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh và việc phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Còn theo Fulbright, động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ, song đã có sự thay đổi căn bản trong cấu thành của hai bộ phận này. Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20 - 30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu như sản xuất ô tô và dược phẩm.
Đồng thời, việc tăng trưởng trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
Tuy nhiên, theo NCIF, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với một số thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng tín dụng năm nay dù đã giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức khá cao, cung tiền ở mức cao sẽ khiến kéo dài tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Tài chính quốc gia có độ mở cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế và tỷ lệ nợ công cao, nghĩa vụ trả nợ lớn cũng là những vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố phương án điều hành giá xăng dầu, áp dụng từ ngày 21/12, trong đó, giá xăng tiếp tục giảm lần thứ năm liên tiếp trong vòng hơn 2 tháng qua.
Tổng cộng, sau 5 lần giảm giá, mỗi lít xăng E5RON92 giảm gần 4.000 đồng và xăng RON95 trên 4.200 đồng. Như vậy, so với cuối năm 2017, mỗi lít xăng E5RON92 giảm 1.793 đồng, dầu diesel 0.05S tăng 832 đồng, dầu hỏa tăng 1.386 đồng và 1kg dầu mazut tăng 1.706 đồng.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 17-21/12, tỷ giá trung tâm chỉ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trong 2 phiên đầu tuần, sau đó không thay đổi các phiên còn lại trong tuần. Chốt tuần 21/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.785 VND/USD, tăng 7 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.419 VND/USD.
Sau khi biến động trên mức trung bình 23.300 VND/USD trong 3 phiên đầu tuần, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm trở lại. Chốt tuần 21/12, tỷ giá giao dịch ở mức 23.280 VND/USD, giảm 11 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng không biến động nhiều trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 21/12, tỷ giá không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.320 - 23.340 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở các phiên đầu tuần và giảm trở lại sau đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 21/12, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,66% (-0,11 điểm phần trăm); 1 tuần 4,75% (-0,06 điểm phần trăm); 2 tuần 4,85% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tháng 4,89% (không thay đổi).
Trái lại, lãi suất liên ngân hàng đối với USD tăng liên tục ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Phiên cuối tuần 21/12, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,47% (+0,16 điểm phần trăm); 1 tuần 2,56% (+0,14 điểm phần trăm), 2 tuần 2,65/% (+0,14 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,84% (+0,17 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 17/12 - 21/12, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 55.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 52.799 tỷ đồng. Trong tuần có 60.033 tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 52.799 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, có 25.960 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 18.726 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần, cả Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia gọi thầu trái phiếu Chính phủ với tổng khối lượng gọi thầu đạt 23.977 tỷ đồng. Khối lượng trúng thầu đạt mức 16.010 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu là 67%).
Cụ thể, ngày 18/12, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 4.300/10.977 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Kỳ hạn dài 15 năm đấu thầu thất bại, tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn ngắn 3 năm đạt 100%, tỷ lệ trúng thầu các kỳ hạn còn lại từ 5 - 10 năm từ 33 - 47%. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn duy trì ổn định, trong khoảng từ 5,1 - 5,8% tùy từng kỳ hạn.
Ngày 19/12, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 11.710/13.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm (đã bao gồm kết quả đấu thầu bổ sung). Tỷ lệ trúng thầu cao ở mức 90%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 6.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 5.210/6.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu ổn định, lần lượt tại 5,1%/năm và 5,3%/năm.
Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch tiêu cực khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 21/12, VN-Index đứng ở mức 912,26 điểm, giảm mạnh 39,78 điểm (-4,18%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,20 điểm (-2,06%), xuống mức 104,45 điểm.
Thanh khoản thị trường tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch ở mức trên 5.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại bán ròng gần 448 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, Fed tăng mức lãi suất chính sách lên 2,25% - 2,5% trong cuộc họp cuối tuần trước, đồng thời phát tín hiệu giảm số lần tăng lãi suất trong năm 2019 xuống 2 lần thay vì 3 lần như trước đây. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ và dự đoán triển vọng năm 2019 - 2020 ở mức 2,3% và 2,0%.
Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh ở nhiều chỉ số lớn sau khi Fed tăng lãi suất, giá vàng tăng trong khi giá dầu giảm rất mạnh trong tuần vừa qua.
Italia trong tuần qua đạt được thoả thuận giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 2,04% GDP, giảm từ mức 2,4% GDP đã bị EC bác bỏ trước đây.
Ngân hàng Trung ương Anh BoE giữ mức lãi suất chính sách 0,75% nhằm chống đỡ những bất ổn chính trị - kinh tế trong và ngoài nước, giúp tăng trưởng việc làm và đạt lạm phát mục tiêu 2%.