Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 2-5/1
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/1 |
Tổng quan
Trong ngày đầu năm, Chính phủ liên tiếp ban bành 2 nghị quyết 01 và 02 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2019 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thứ tư, tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.
Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Mục tiêu chung đặt ra trong Nghị quyết này là nâng cao thứ hạng quốc gia trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Liên quan đến tài chính - tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ theo dõi việc cải thiện để nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng theo EoDB của WB lên 3-5 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.
Ngoài ra, trước quý III/2019, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền vào ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng; các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 2-5/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhẹ cả 4 phiên giao dịch. Chốt tuần 5/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.829 VND/USD, tăng 4 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tăng 500 đồng trong phiên giao dịch đầu năm mới lên mức 23.200 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.464 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng gần như không biến động trong tuần vừa qua. Chốt tuần 5/1, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 5/1, tỷ giá giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.200 VND/USD - 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm. Chốt tuần 5/1, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,63% (+0,43 điểm phần trăm); 1 tuần 4,70% (+0,17 điểm phần trăm); 2 tuần 4,80% (+0,10 điểm phần trăm); 1 tháng 4,94% (+0,02 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đối với USD giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1 tháng trong tuần qua. Phiên cuối tuần 5/1, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,51% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,58% (-0,04 điểm phần trăm), 2 tuần 2,65/% (-0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,85% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 2-5/1, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 43.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 35.622 tỷ đồng. Trong tuần có 51.682 tỷ đồng đáo hạn.
Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 16.060 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 57.638 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn từ 5 đến 20 năm. Kỳ hạn 5 và 20 năm đấu thầu thất bại, mặc dù tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở kỳ hạn 5 năm ở mức cao. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động lần lượt 3.650 tỷ và 2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn giữ nguyên tại 5,1%/năm và 5,3%/năm.
Thị trường chứng khoán mặc dù hồi phục nhẹ vào phiên cuối tuần, thị trường tuần đầu tiên của năm mới diễn ra tiêu cực khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 4/1, VN-Index đứng ở mức 880,90 điểm, giảm 11,64 điểm (-1,30%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 3,38 điểm (-3,24%), xuống mức 100,85 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 3.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 200 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua là điểm sáng duy nhất trên thị trường.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục đóng cửa chính phủ vô thời hạn sau cuộc họp với các đại biểu Đảng Dân chủ thuộc Hạ viện Mỹ.
Liên quan đến kinh tế tháng 12, tốc độ mở rộng của ngành sản xuất tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, thu nhập trung bình của người dân và số việc làm mới tạo ra của lĩnh vực phi nông nghiệp đều tăng cao hơn so với tháng 11 và mức dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên lần đầu tiên sau 3 tháng thấp kỷ lục.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã lên tiếng trấn an rằng Fed sẽ không bỏ qua những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Tại châu Âu, tăng trưởng lạm phát sơ bộ khu vực này giảm tốc, chỉ đạt 1,6% so với cùng kỳ trong tháng 12, thấp hơn mức mục tiêu 2,0% của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC tuyên bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và sẽ chia thành hai đợt. Đợt 1 từ 14,5% về 14% kể từ ngày 15/1, và giảm tiếp về 13,5% kể từ ngày 25/1.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lần đầu tiên cho thấy sự thu hẹp với chỉ số PMI trong tháng 12 chạm mức 49,4 điểm.