Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-6/9
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/9 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/9 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/9 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/8 |
Tổng quan
Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thủ tướng đã khẳng định kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đạt cận cao của mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Theo báo cáo của các bộ, ngành trình Chính phủ, kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra.
Số liệu tăng trưởng GDP quý II của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều cho thấy sự giảm tốc đáng kể so với quý I cũng như so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng 2% trong quý II, giảm mạnh so với mức tăng 3,1% của quý trước đó và mức tăng 3,5% của quý II/2018. Theo các chuyên gia, đó là do sự sụt giảm từ chi tiêu của chính quyền cả trung ương và các bang, sụt giảm của xuất khẩu, đầu tư, mặc dù chi tiêu tiêu dùng cá nhân có tăng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng chứng kiến mức độ tăng trưởng kinh tế quý II thấp nhất kể từ quý I/1992 với 6,2%, trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ, cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm. Tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc ở mức 6,4% và quý II/2018 đạt 6,7%.
Tại Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, tăng trưởng GDP quý II cũng chỉ tăng 1,8% sau khi tăng 2,8% quý I.
Ở các lục địa khác, tăng trưởng GDP của Eurozone quý II đạt 1,3%, giảm từ mức 1,6% của quý trước đó và thấp hơn hẳn mức tăng 2,2% của quý II/2018; của Anh giảm 0,2% sau khi tăng 0,5% quý I, mức giảm đầu tiên kể từ quý IV/2012; của Úc tăng 1,4%, thấp hơn so với mức tăng 1,7% của quý I và giảm mạnh so với mức tăng 3,1% của quý II/2018.
Tăng trưởng thấp cũng được dự báo cho kinh tế toàn thế giới cả năm 2019. Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tháng 7 của IMF, tổ chức này đã dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3,5% năm 2020, giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4, giảm 0,3% so với dự báo tháng 1.
Báo cáo cập nhật Kinh tế thế giới của World Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 xuống mức 2,6% cho năm nay từ mức dự báo 2,9% hồi tháng 4, sau khi đã hạ 0,1% so với đầu năm. Kinh tế các nền kinh tế lớn thế giới do đó cũng bị hạ dự báo tăng trưởng.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn như vậy, Chính phủ vẫn đánh giá, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (8 tháng năm 2017 tăng 3,84%; năm 2018 tăng 3,52%); tỷ giá ổn định trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước khu vực mất giá so với USD; xuất khẩu tăng khá, xuất siêu 8 tháng ở mức kỷ lục, trên 3,4 tỷ USD.
Do đó, Chính phủ khẳng định, tăng trưởng GDP cả nước chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).
Không chỉ Chính phủ tự đánh giá, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Cụ thể, ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019; IMF dự báo 6,5%; WB dự báo 6,6%; HSBC dự báo 6,7%; Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng ở mức 6,86% năm 2019; Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách dự báo cao ở mức 6,96%.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần cải thiện như giải ngân đầu tư công còn chậm; ngành nông nghiệp gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; nhiều dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%)…
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 3-6/9, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 6/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.138 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.782 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua dao động nhẹ chủ yếu dưới ngưỡng tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc phiên cuối tuần 6/9, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.192 VND/USD, giảm 8 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 6/9, tỷ giá giảm trở lại 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 3-6/9, lãi suất liên ngân hàng VND biến động giảm khá mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt tuần 6/9, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 3,65% (-0,80 điểm phần trăm); 1 tuần 3,80% (-0,73 điểm phần trăm); 2 tuần 3,88% (-0,65 điểm phần trăm); 1 tháng 4,15% (-0,35 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong tuần. Cuối tuần 06/09, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,28% (không thay đổi); 1 tuần 2,38% (không thay đổi), 2 tuần 2,48% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,59% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng 4 phiên trong tuần qua vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 988 tỷ đồng. Trong tuần có 13.134 tỷ đồng đến hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 12.145 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này xuống mức 988 tỷ đồng.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu trong tuần từ 3-6/9, Kho bạc Nhà nước không tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ.
Trong tuần này từ 9-13/9, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh với tổng khối lượng gọi thầu dự kiến là 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày thứ Hai 9/9, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến gọi thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh ở hai loại kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Đây là phiên đấu thầu trở lại của ngân hàng này sau khi tạm dừng kể từ phiên 23/10/2018.
Ngày thứ Tư 11/9, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở các loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường trái phiếu thứ cấp tuần qua đạt 8.379 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức trên 11.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần 6/9 giao dịch quanh 1 năm 2,71% (-0,01 điểm phần trăm); 2 năm 2,84% (-0,00 điểm phần trăm); 3 năm 2,92% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 3,24% (-0,02 điểm phần trăm); 7 năm 3,72% (-0,07 điểm phần trăm); 10 năm 4,05% (-0,11 điểm phần trăm); 15 năm 4,34% (-0,11 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tiếp tục tiêu cực trong tuần vừa qua khi cả 3 sàn đều ngập tràn sắc đỏ. Kết thúc phiên cuối tuần 6/9, VN-Index đứng ở mức 974,08 điểm, giảm 9,98 điểm (-1,01%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,40 điểm (-1,37%), xuống mức 100,92 điểm; UPCOM-Index giảm mạnh 1,07 điểm (-1,85%) xuống 56,76 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch gần 4.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 224 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Như thường lệ, thương chiến Mỹ - Trung, và Brexit và động thái của Fed luôn thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Tuần qua, phía Bắc Kinh cho biết Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán đến làm việc tại Washington trong tháng 10. Thị trường lạc quan hơn về một thỏa thuận xoa dịu tình hình, sau khi hai quốc gia này liên tiếp đẩy cao căng thẳng bằng các mức thuế quan áp lên hàng hóa của nhau.
Tại Anh, kịch bản Brexit hiện vẫn chưa ngã ngũ và đang làm nội bộ nước này bị chia rẽ một cách nghiêm trọng. Thủ tướng Boris Johnson ngày 5/9 liên tiếp chịu sự thất bại trước những cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh liên quan đến trì hoãn Brexit và tổ chức tổng tuyển cử sớm. Bên cạnh đó, ông Johnson cũng mất dần những lá phiếu quan trọng và vị thế đa số của đảng Bảo thủ, trong bối cảnh các quan chức rời bỏ đảng này do những quan điểm trái chiều với cách làm của ông.
Liên quan tới Fed, Chủ tịch Jerome Powell cuối tuần qua phát biểu cho biết khủng hoảng kinh tế - tài chính sẽ không xảy ra đối với thế giới. Fed nhận định lãi suất thấp sẽ hỗ trợ mọi thứ duy trì sự ổn định, cơ quan này sẽ hành động phù hợp để đảm bảo triển vọng kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.