Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/7 |
Tổng quan
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 của cả nước ước tính đạt 243,47 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,53 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo tăng trưởng xuất khẩu có thể chậm lại khi gặp phải những nguy cơ lớn từ cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ - thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam - khởi xướng.
Nguy cơ nổi lên gần đây là Chính phủ Mỹ bắt đầu áp thuế nhập khẩu nặng lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà được sản xuất ở các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…
Diễn biến mới nhất là theo thông cáo ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế lên tới 456,23% đối với một số loại thép sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó đưa sang Việt Nam gia công và xuất sang Mỹ.
Trước đó, việc điều tra chống lẩn tránh thuế các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đã được khởi xướng từ cuối tháng 7/2018. Phía Mỹ cho rằng các sản phẩm thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội này sử dụng thép chất nền nguồn gốc Hàn Quốc hoặc Đài Loan, nhưng được đưa sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá (antidumping duty) và thuế chống trợ cấp (countervailing duty) của Mỹ.
Mỹ bắt đầu đánh thuế thép chống gỉ từ Hàn Quốc và Đài Loan tháng 12/2015, và thép cuộn cán nguội từ hai nước này tháng 2/2016.
Để lập luận rằng thép từ hai nước được đưa sang Việt Nam trốn thuế, thông cáo dẫn số liệu cho biết sau khi Hàn Quốc và Đài Loan bị đánh thuế, lượng thép từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, tới 332% với thép chống gỉ và 916% với thép cuộn cán nguội.
Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019.
Tuy số liệu cho thấy, xuất khẩu sắt, thép và các sản phẩm từ sắt thép không nằm trong danh sách sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn (trên 1 tỷ USD) sang thị trường Mỹ, nhưng không chỉ có ngành thép mới có nguy cơ bị gian lận xuất xứ.
Theo các chuyên gia, trong năm 2018, có 140 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với kiện tụng từ khắp các nước (trong đó Mỹ chiếm tới 31 vụ), có thể thấy nguy cơ cho nhiều ngành hàng khác là không hề nhỏ, đặc biệt các ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thủy hải sản…
Nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút khỏi Việt Nam, chuyển sang nước khác để tránh thuế.
Nguy cơ tiếp theo là việc lần đầu tiên, vào tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã bị Mỹ liệt vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ - danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng.
Nếu bị xem là quốc gia thao túng tiền tệ, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tăng mạnh mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 8-12/7, sau khi tăng 3 phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 12/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.059 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.701 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tuần vừa qua. Phiên cuối tuần 12/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, giảm 38 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại so với tuần trước đó. Kết thúc ngày 12/7, tỷ giá tự do đóng cửa tại 23.200 - 23.220 VND/USD, giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 8-12/7, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn với đà giảm đã chậm hơn so với tuần trước đó. Chốt cuối tuần 12/7, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 3,08% (-0,19 điểm phần trăm); 1 tuần 3,22% (-0,20 điểm phần trăm); 2 tuần 3,35% (-0,20% điểm phần trăm); 1 tháng 3,60% (-0,13 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD ít biến động so với cuối tuần trước đó. Chốt cuối tuần 12/07, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,52% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,59% (+0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,67% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,80% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 8-12/7, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu tín phiếu lên mức 49.000 tỷ đồng, từ mức 35.000 tỷ đồng của tuần trước đó. Kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất 3%/năm.
Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 34.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 13.999 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 48.999 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.983/7.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu cao 93%). Trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn 5 năm tăng nhẹ, thì lãi suất các kỳ hạn dài đều giảm khá mạnh, trong đó kỳ hạn 15, 30 năm giảm lần lượt 13 và 18 điểm.
Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động được 50/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu 3,75%/năm, tăng 5 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 8/5/2019). Trái phiếu kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng gọi thầu, lãi suất trúng thầu 4,56%/năm, giảm 6 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được 2.933/3.000 tỷ đồng gọi thầu, lãi suất trúng thầu 4,81%/năm, giảm 13 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu, lãi suất trúng thầu 5,60%/năm, giảm 18 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 26/6/2019).
Chốt phiên 12/7, lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp đồng loạt giảm khá mạnh so với tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,1% (-0,05 điểm phần trăm); 2 năm 3,3% (-0,14 điểm phần trăm); 3 năm 3,43% (-0,13 điểm phần trăm); 5 năm 3,8% (-0,07 điểm phần trăm); 7 năm 4,11% (-0,04 điểm phần trăm); 10 năm 4,55% (-0,12 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua tương đối tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, mặc dù đã giảm điểm trở lại vào phiên cuối tuần. Chốt tuần 12/7, VN-Index đứng ở mức 975,40 điểm, tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,01%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng tích cực hơn với 1,48 điểm (+1,42%), lên 105,86 điểm; UPCOM-Index tăng 0,23 điểm (+0,41%) lên 56,61 điểm.
Thanh khoản thị ở mức tương đối thấp với giá trị giao dịch trên 4.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 1.019 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Mỹ - Trung hạ nhiệt, Fed có động thái cho thấy khả năng sớm hạ lãi suất và châu Âu bị giảm dự báo tăng trưởng là những thông tin được thị trường chú ý nhất trong tuần vừa qua.
Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc trong tuần đã có cuộc đàm phán đầu tiên qua điện thoại kể từ sau cuộc gặp bên lề tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Các quan chức Mỹ cho biết hai bên sẽ có những cuộc gặp mặt trực tiếp nhưng chưa có lịch trình cụ thể.
Sau đó, phía Washington quyết định dỡ bỏ mức thuế bổ sung 25% lên 110 mặt hàng y tế và công nghệ xuất khẩu từ Trung Quốc, trị giá 34 tỷ USD. Lệnh dỡ bỏ thuế quan này có giá trị 1 năm, đến ngày 9/7/2020.
Trong tuần, Fed công bố biên bản cuộc họp FOMC tháng vừa qua, trong biên bản ghi Fed sẽ “hành động phù hợp” để duy trì mức tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Bên cạnh đó, Fed lo ngại những rủi ro khi lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm, lạm phát có thể ở mức thấp dưới ngưỡng mục tiêu trong thời gian dài và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Do đó, thị trường cho rằng Fed có lý do cho việc sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đối với nền kinh tế châu Eurozone, lần lượt Ủy ban châu Âu EC và NHTW châu Âu ECB cùng dự báo GDP khu vực tăng 1,2% năm 2019 và 1,4% năm 2020. Như vậy, EC giữ nguyên dự báo cho 2019 và giảm 0,1 điểm phần trăm ở năm 2020 so với lần dự báo trước, ECB tăng dự báo cho 2019 thêm 0,1 điểm phần trăm và hạ dự báo cho 2020 thêm 0,2 điểm phần trăm. Cả hai tổ chức cùng nhận định kinh tế Eurozone có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại và những bất ổn địa chính trị trong dài hạn.