Tỷ lệ sở hữu TPCP của khối NHTM Nhà nước giảm xuống còn 46,5%
Năm 2019, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng mạnh kế hoạch phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP) với quy mô phát hành dự tính lên tới 260.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.
Năm 2019 cũng là năm lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh, lên gần 119.600 tỷ đồng, tăng tới 87,8% so với năm trước.
Tính đến hết quý 1/2019, KBNN đã huy động được hơn 69.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch quý. Tỷ lệ trúng thầu giảm mạnh, chỉ đạt 76% tổng số trái phiếu đưa ra gọi thầu. Trong các năm trở lại đây, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu liên tục giảm với tỷ lệ đấu thầu thành công bình quân chỉ ở mức 60% trong khi lượng đặt thầu/gọi thầu vẫn khá cao.
Nguyên nhân tỷ lệ trái phiếu phát hành được không cao là do mức lợi tức chưa đáp ứng được đòi hỏi của người mua và giảm rất mạnh trong các năm trước đó.
Theo bộ phận nghiên cứu phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt VDSC, lợi tức TPCP kỳ hạn 5 năm đang ở mức 3,6%/năm, có thể thấp hơn mức lạm phát, dự báo là 3,8% trong năm 2019. Trong kịch bản dự phòng, lợi tức TPCP có thể đi ngang trong quý 2/2019 sau đó sẽ tăng trở lại.
“Bên cạnh sự luẩn quẩn của dòng tiền từ KBNN gửi tại hệ thống ngân hàng, sự tham gia sâu rộng hơn của Bảo hiểm xã hội cũng góp phần không nhỏ vào sự sụt giảm mạnh của lợi tức TPCP”, theo VDSC.
Vai trò của Bảo hiểm xã hội ngày càng quan trọng trong kết quả phát hành TPCP của KBNN. Tỷ lệ sở hữu trái phiếu Chính phủ của tổ chức này đã tăng từ 34% lên trên 41% trong khi tỷ lệ này của khối NHTMNN giảm từ 55,5% xuống 46,5%. Tỷ lệ của các công ty bảo hiểm thay đổi không đáng kể.
Sau khi tăng trở lại trong cuối năm 2018, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã quay đầu giảm đáng kể tại thời điểm quý 1/2019 và đang dao động quanh mức 3,8%.
Trong quý 1/2019, mặt bằng lãi suất TPCP giảm tương đối so với thời điểm cuối năm 2018. Lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm giúp cho lợi suất trái phiếu các kỳ hạn ngắn giảm mạnh, trong khi lợi suất các kỳ hạn trên 10 năm chỉ giảm khi lãi suất liên ngân hàng duy trì xu hướng giảm một thời gian.
Bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Rồng Việt tỏ ra quan ngại về chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm liên tục giảm và thấp hơn lạm phát.
Dự báo lạm phát năm 2019 sẽ tiếp tục xu hướng tăng và đạt khoảng 3,8%. Do đó, diễn biến lạm phát trong năm có thể sẽ tác động đáng kể tới lợi tức trái phiếu kỳ hạn 5 năm, đặc biệt khi kế hoạch phát hành năm nay tăng khá cao so với 2018.
Trong các quý tới, VDSC cho rằng, quy mô phát hành TPCP sẽ dao động trên 60.000 tỷ đồng – quy mô phát hành khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có đạt được kế hoạch phát hành với tỷ lệ trái phiếu phát hành thành công cao tức là tỷ lệ trúng thầu được cải thiện hay không.
Lượng trái phiếu kỳ hạn dài 5-7 năm cũng phát hành không được như kế hoạch. Trong năm 2018, cả hai kỳ hạn trên đều không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt 41% và 19% so với kế hoạch ban đầu do mức lợi tức đã giảm mạnh xuống ngưỡng rất thấp. Trong quý 1/2019, tình trạng trên chưa có nhiều thay đổi.
Tiếp nối xu hướng giảm trong năm 2018, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp giảm mạnh với mức giảm hơn 20% trong quý 1/2019 đối với cả hai hoạt động "mua đứt bán đoạn" (outright) và mua bán kỳ hạn (repos). Cơ cấu giá trị giao dịch outright theo kỳ hạn cũng ghi nhận sự thay đổi lớn. Tỷ trọng giao dịch trái phiếu kỳ hạn 10 năm trở lên đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước đó.