Vốn vào nhà ở xã hội khởi sắc
Tín dụng bất động sản tăng trong tầm kiểm soát? | |
Kiểm soát tín dụng bất động sản | |
Tín dụng bất động sản vẫn còn nhiều dư địa |
Mặc dù cho đến thời điểm hiện nay, cơ chế cấp bù lãi suất để Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) cho vay phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn đang dự thảo. Tuy nhiên, quan sát thị trường cho thấy phân khúc nhà ở cấp thấp đang có dấu hiệu hút vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đã có 1.000 tỷ đồng từ vốn hỗ trợ nhà ở
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc VBSP, đến thời điểm hiện tại nguồn vốn ngân sách để cấp bù lãi suất cho các TCTD thực hiện cho vay nhà ở xã hội chưa được Chính phủ phân bổ. Tuy nhiên, VBSP đã xây dựng kế hoạch nguồn vốn, trong đó đề xuất năm 2017 đơn vị sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng để cho vay đối với các khách hàng mua, thuê mua hà ở xã hội trên phạm vi cả nước.
Nhiều NHTM chủ động phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ lãi suất mua nhà cho khách hàng |
Khoản vốn 1.000 tỷ đồng mà ông Lý nêu ở trên theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng chính là phần vốn mà ngân sách Trung ương phải cấp cho VBSP theo kế hoạch tài chính năm 2017.
Cụ thể, trong năm 2016, đáng ra ngân sách Trung ương đã phải cấp 335 tỷ đồng để VBSP thực hiện hỗ trợ cho
vay phát triển nhà ở đối với 26.800 hộ nghèo (tương đương 10% tổng số hộ nghèo của cả nước). Tuy nhiên, phần vốn này đã không được giải ngân theo kế hoạch.
Trong năm 2017, VBSP sẽ thực hiện hỗ trợ 20% số hộ nghèo trên cả nước (tương đương khoảng 53.600 hộ) với nhu cầu vốn khoảng 1.340 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương cấp cho VBSP để cho vay là khoảng 670 tỷ đồng. Như vậy nếu cộng cả phần vốn của năm 2016 thì số vốn ngân sách Trung ương phải cấp cho đơn vị là 1.005 tỷ đồng.
Với phần vốn 1.000 tỷ đồng này, đại diện VBSP cho biết, đơn vị sẽ hướng vào những khách hàng có thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân (bao gồm: công nhân viên quốc phòng, lực lượng vũ trang, người nghèo thành thị…). Các dự án được VBSP cho vay vốn hoàn toàn là các dự án nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Chủ động hỗ trợ lãi suất cho người mua
Theo quan sát từ thị trường, hiện nay mặc dù Chính phủ chưa có những chỉ đạo chính thức về cơ chế cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn VBSP, tuy nhiên một số chủ đầu tư dự án hà ở xã hội đã chủ động làm việc với phía ngân hàng để bắt đầu thực hiện cho vay mua nhà.
Chẳng hạn tại phía Bắc, Công ty cổ phần Hồng Hà đã cam kết sẽ hỗ trợ người mua nhà tại các dự án hà ở xã hội Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) vay vốn lãi suất 4,8%/năm với thời hạn vay 15 năm từ VBSP. Các dự án CT1, CT2, CT3 của công ty này hiện đã bắt đầu khởi bán, dự kiến sẽ hoàn thành và giao nhà vào cuối năm 2017.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Hải Phát đã thống nhất được với VietinBank để cam kết hỗ trợ khách hàng vay vốn từ gói tín dụng trị giá 900 tỷ đồng mà ngân hàng này dành cho các dự án nhà ở xã hội The Vesta (Hà Đông – Hà Nội). Tập đoàn Vicoland cũng đã ký kết với NHTMCP An Bình (ABBank) để cam kết cho vay với hạn mức 70% giá trị căn hộ, trong thời hạn 20 năm đối với các dự án nhà ở xã hội tại Huế và Đà Nẵng. Vicoland thông tin rằng, hiện doanh nghiệp đã hoàn thành và bàn giao gần 1.000 căn hộ cho khách hàng và đang xây dựng thêm hơn 350 căn hộ nữa, sẽ hoàn thành trong năm tới.
Tại các tỉnh phía Nam hoạt động đầu tư các dự án nhà ở xã hội cũng sôi động không kém. Một số công ty lớn thậm chí còn đưa ra chính sách chủ động hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất vay vốn cho khách hàng.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân – một doanh nghiệp đang đầu tư 20 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam – mới đây đưa ra chính sách dùng vốn của chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất cho khách. Theo đó, khách mua nhà tại dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ phần lãi suất vượt quá 6%/năm mà ngân hàng áp dụng khi cho vay thương mại, với thời hạn tối đa không quá 15 năm.
Theo tính toán của Công ty Hoàng Quân, trong năm 2017, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội do công ty xây dựng được các NHTM giải ngân cho vay. Công ty sẽ dành ra khoảng 60-80 tỷ đồng để bù thêm 2-3%/năm cho khách hàng. Số tiền này doanh nghiệp sẽ trình Bộ Tài chính xem xét để cho phép đưa vào chi phí vốn của các dự án nhà ở xã hội.
Bất động sản tầm trung hút nhà đầu tư Ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay hoạt động đầu tư các dự án chung cư giá rẻ và tầm trung của các công ty bất động sản tăng mạnh. Hiện nay, tại TP.HCM ngoài 20 dự án nhà ở xã hội của công ty Hoàng Quân trên thị trường ghi nhận khoảng 15 dự án mới của các doanh nghiệp. Tiêu biểu như: chung cư 1.500 căn hộ của Công ty Lê Thành (tại quận Bình Tân); chung cư Nhà ở xã hội 2.500 của Công ty Thiên Phát (tại KCN Linh Trung 2 - Thủ Đức); dự án D-Vela với 169 căn hộ của Công ty cổ phần Căn nhà mơ ước, Khu đô thị Phú Hội, Khu dân cư Trường Lưu của Địa ốc Kim Oanh, 1.000 căn của Công ty cổ phần Him Lam Land… Tại phía Bắc, các DN như Công ty cổ phần Tasco, Tập đoàn Vicoland; Tổng công ty Viglacera cũng đang tập trung mạnh vào các dự án nhà ở xã hội với kế hoạch đến cuối 2018 sẽ tung vào thị trường khoảng trên 6.000 căn hộ tầm thấp và trung. |