Luật PPP: Hoàn thiện để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Chỉ khi doanh nghiệp không đủ sức làm, mới áp dụng PPP | |
Dự luật PPP: Chỉ xem xét chia sẻ khi doanh thu dự án bị sụt giảm do lỗi của Nhà nước | |
Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho PPP |
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các dự án Hợp tác đối tác công tư (hay còn gọi là PPP) và cũng là nước có nhiều dư địa để các dự án PPP có khả năng thành công rất lớn, đặc biệt là trong một số lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng… Hiện Dự án Luật PPP đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Nói về quá trình xây dựng luật ông Phạm Ngọc Lâm - đại diện đơn vị soạn thảo cho biết, đến nay dự thảo Luật đã qua rất nhiều vòng, chỉnh sửa, toàn bộ các nội dung góp ý đã được các cơ quan tham mưu tổng hợp, thảo luận. Nhiều nội dung góp ý đã được tiếp thu chỉnh sửa và được cấp có thẩm quyền đồng ý; có nội dung thì chưa được chấp thuận; có nội dung thì không quy định trong luật mà sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn; hoặc có nội dung chỉ quy định nguyên tắc và để dư địa cho các bên trong hợp đồng đàm phán; có nội dung thì cơ quan soạn thảo xin bảo lưu, không tiếp thu.
Tuy nhiên tại Hội thảo “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại”, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 13/5/2020 vừa qua, vẫn còn nhiều vấn đề mà nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đặt ra đối với dự thảo Luật PPP như ưu đãi đầu tư và cơ chế. Có những vấn đề đã được thảo luận nhiều, hội thảo này vẫn tiếp tục được nhắc đến như vấn đề chia sẻ rủi ro, chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và vấn đề hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ, các dự án ưu tiên...
Nói về các vấn đề tồn đọng làm hạn chế tính hấp dẫn của các dự án PPP đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng sự thiếu rõ ràng của các quy định hiện hành và mâu thuẫn với các quy định khác làm giới hạn ưu đãi của các nhà đầu tư dự án PPP và các khoảng cách quan trọng về mặt cơ cấu liên quan đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật PPP cần giải quyết triệt để những vấn đề này. Bên cạnh đó, cần hoàn tất các quy định hiện hành theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm gia tăng sự hấp dẫn của các dự án PPP Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra một khuôn khổ rõ ràng và nhất quán cho các dự án PPP để hưởng lợi từ VGF, đảm bảo doanh thu tối thiểu và các biện pháp chia sẻ rủi ro.
Để khuyến khích các dự án do nhà đầu tư đề xuất, các nhà đầu tư khuyến nghị bổ sung quy định nguyên tắc các ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án. Ưu đãi chi tiết nên được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn thi hành của Luật PPP. Đặc biệt Dự thảo Luật không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu trong nước và thầu phụ trong nước, cho phép sử dụng nhà cung cấp trong nước và nước ngoài theo sự lựa chọn của nhà đầu tư. Ngoài ra cần tiếp tục làm tinh gọn các chính sách và hướng dẫn liên quan đến các dự án PPP, bao gồm thực hiện các quy định sẽ được ban hành sau khi ban hành Luật PPP được đề xuất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, tập trung vào các yếu tố chủ yếu như là mức độ khả dụng và giải ngân của VGF và các biện pháp hỗ trợ tín dụng...
Theo ông Đào Việt Dũng - đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, điểm nổi bật là cần phải xây dựng các quỹ phát triển để tạo nền tảng cho việc triển khai các dự án PPP bởi nếu thiếu những quỹ như vậy sẽ khó bảo đảm thành công cho các dự án PPP quy mô lớn. Việc xây dựng quỹ phải được thực hiện theo một quá trình minh bạch và phải có công cụ giám sát, theo dõi. Quỹ này chính là nguồn tài chính và cũng chính là đảm bảo chủ trương đa dạng nguồn vốn cho các công trình, dự án PPP như Chính phủ từng cam kết với các nhà đầu tư.
Vấn đề liên quan đến khả năng thực hiện hợp đồng PPP trong trường hợp phát sinh các loại giấy phép và văn bản hành chính, theo Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG), Dự thảo Luật PPP không đề cập đến khả năng thực hiện quyền của nhà đầu tư tư nhân theo hợp đồng dự án PPP đã ký trong trường hợp xuất hiện những thay đổi về luật pháp trong tương lai, các loại giấy phép phát sinh và văn bản hành chính do các cơ quan nhà nước ban hành sau khi ký hợp đồng đó. Vì vậy Dự thảo Luật PPP cần giải quyết vấn đề này và làm rõ thêm việc xuất hiện rủi ro cũng như các khoản nợ phải trả thì sẽ được phân bổ/chia sẻ cho các bên. Đặc biệt, từ góc độ khu vực tư nhân, để có được mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa khu vực công và tư nhân, điều quan trọng đối với cả các cơ quan nhà nước và các bên thuộc khu vực tư nhân với hợp đồng dự án PPP đã ký chính là đằng sau các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng đó.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đã đề cập đúng những vấn đề mà các nhà đầu tư, các bên đối tác là Nhà nước hay tư nhân đều quan tâm. Đó chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để Luật PPP nói riêng cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan nhanh chóng đi vào đời sống và phát huy hiệu quả tích cực. Qua những ý kiến góp ý của các đơn vị cũng nhằm hoàn thiện nền tảng thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.