Luật PPP phải hoá giải được rủi ro cũ và thách thức mới
Luật PPP: Hoàn thiện để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại | |
Dự luật PPP: Chỉ xem xét chia sẻ khi doanh thu dự án bị sụt giảm do lỗi của Nhà nước |
Đó là chia sẻ của cộng đồng DN, cơ quan quản lý tại Tọa đàm “Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức ngày 16/9.
Cơ hội thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ kỳ vọng, với những điểm mới như vốn hỗ trợ của Nhà nước, đấu thầu cạnh tranh, cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… luật sẽ khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân vào các dự án PPP, tạo ra các cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP. Tuy nhiên, ông Lộc cũng lo ngại, bên cạnh những cơ hội mới, hợp tác công tư vẫn phải đối mặt với những thách thức cũ và mới phát sinh đan xen.
Theo đó, hệ thống thể chế, pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Sau khi ban hành, còn gần 30 nội dung, điều khoản nêu trong luật cần hướng dẫn; đồng thời cũng còn tồn tại những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật và văn bản pháp lý khác. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm từ cả 2 phía Nhà nước và nhà đầu tư còn hạn chế. Sự ủng hộ, đồng thuận, quyết tâm từ phía các bộ ngành cũng còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ ngành chưa hiệu quả nên khó tạo sự đột phá trong phát triển hợp tác công tư.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng để thúc đẩy PPP trong thời gian tới, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý. Trước mắt là khẩn trương soạn thảo, ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật PPP phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển hợp tác công tư với mục tiêu kép, vừa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, an toàn tài khóa quốc gia, đồng thời thông thoáng, công bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, hiện nay nhà đầu tư đều kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai, tạo niềm tin của nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các dự án PPP và lan tỏa tới cộng đồng DN. Cùng với đó, bố trí nguồn lực tài chính, tạo vốn mồi và các công cụ tài chính làm tăng tính khả thi dự án để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải mang tính khả thi, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, đa dạng dưới nhiều hình thức.
Ngoài việc tập trung vào các dự án lớn, mang tính dẫn dắt và lan tỏa, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần quan tâm tới các dự án nhỏ, có thể triển khai nhanh và đem lại hiệu quả sớm hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Thời gian qua, cách thức sử dụng dịch vụ công của người sử dụng đang dịch chuyển rất lớn sang kết hợp với các dịch vụ ứng dụng số và công nghệ. Để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ này, cần khuyến khích tính sáng tạo và đổi mới của khu vực tư nhân trong các dự án PPP”, ông Lộc lấy ví dụ và nhấn mạnh cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân trong các dự án cơ sở hạ tầng. Đây chính là hoạt động đầu tư hạ tầng mềm có thể làm ngay và huy động sự tham gia của nhà đầu tư theo hình thức PPP, bên cạnh các hoạt động đầu tư hạ tầng cứng.
Luật sẽ nâng tính hấp dẫn và giảm rủi ro
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, Luật PPP có rất nhiều điểm mới, vừa nâng cao tính hấp dẫn, vừa đảm bảo hoá giải các rủi ro trước đây của hình thức đầu tư PPP.
Theo đó, hiện nay luật chỉ còn quy định 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Đây là các lĩnh vực mang tính động lực để đảm bảo tạo sự lan toả. “Tôi tin rằng với các lĩnh vực như thế này, tuy liệt kê thì không nhiều nhưng đã cơ bản đáp ứng các cơ sở hạ tầng cốt lõi của nền kinh tế đồng thời đi ngay vào các dự án nhỏ, thực hiện ngay được để sớm đưa nền kinh tế vượt đại dịch, ví dụ các dự án hạ tầng thông tin”, bà Lê nhấn mạnh.
Một điểm mới nổi bật khác là thẩm quyền phê duyệt dự án. Hội đồng thẩm định dự án PPP là cơ chế đảm bảo sự phối hợp liên ngành như mong muốn của cộng đồng DN. Cơ chế đó thực hiện qua 3 cấp cơ bản là hội đồng thẩm định nhà nước, hội đồng liên ngành và cấp cơ sở, tuỳ theo quy mô của từng dự án.
Liên quan đến vấn đề tài chính và chia sẻ rủi ro trong đầu tư dự án PPP, luật quy định vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án vào các bước rộng hơn so với quy định trước đây. Trong đó vẫn duy trì mạch chính là hỗ trợ xây dựng trong quá trình thực hiện dự án BOT, BTO, BOO và thanh toán hợp đồng dự án BTL, BLT. Điểm mới là Nhà nước cùng tham gia với nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án.
Thông tin thêm về cơ chế chia sẻ tăng và giảm doanh thu, bà Lê cho hay nội dung này rất mới và cũng đòi hỏi phối hợp cao với các quy định của ngành tài chính. “Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn sau này sẽ có quy định cụ thể hơn các trường hợp, các bước để thực hiện nội dung này. Tuy nhiên cơ chế tài chính là cái nền cho hoạt động chia sẻ rủi ro, chúng tôi kỳ vọng Nghị định của Bộ Tài chính sẽ có bước tiến so với quy định hiện hành”, bà Lê bày tỏ.
Ông Phan Quang Vinh - Giám đốc quốc gia dự án USAID LEAP III tại Việt Nam đề xuất, hình thức đầu tư PPP trong thời gian tới cần gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững, PPP vì con người, cộng đồng trong chính sách và thực thi. Việc gắn kết chính sách như vậy sẽ giúp nhà đầu tư huy động được các nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn phát triển xanh có chi phí rất ưu đãi.
Thực tế cho thấy, các dự án PPP nếu chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhà tài trợ cho vay, mà không chú ý đến lợi ích của cộng đồng với tư cách là người dân và người tiêu dùng sẽ dẫn đến bùng nổ sự bức xúc và phản đối trong dư luận và xã hội. Vì vậy cần đặt ra các tiêu chí xác định dự án PPP vì cộng đồng, trong đó đặt hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không phải hiệu quả tài chính lên hàng đầu.