Người chăn nuôi heo "ngóng" Tết
Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, hữu cơ Nhập lậu gia súc, gia cầm: Cần phát hiện ngăn chặn từ gốc, từ xa Doanh nghiệp chăn nuôi cần làm gì khi nguồn cung đậu tương từ Mỹ thu hẹp? |
Liệu giá heo hơi có thể đạt mốc 60.000 đồng/kg trong những ngày sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024? |
Còn khoảng nửa tháng là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, song giá heo hơi vẫn dừng ở vùng giá từ 51.000 - 57.000 đồng/kg. Liệu từ nay tới sát Tết, giá heo hơi có đạt mốc 60.000 đồng/kg như kỳ vọng của nhiều người chăn nuôi heo hiện nay?
Sức mua vẫn yếu, giá khó bật tăng mạnh
Chợ đầu mối gia súc ở xã Bối Cầu, huyện Bình lục là chợ heo lớn nhất tỉnh Hà Nam và cũng thuộc hàng chợ lớn nhất miền Bắc. Song tình hình mua bán ở thời điểm cận Tết Nguyên đán so với mọi năm ảm đạm hơn khá nhiều.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng Ban Quản lý chợ này cho hay, sức tiêu thụ so với mọi năm giảm rõ rệt dù cận Tết, với khoảng hơn 1.000 con/ngày. Các thương lái tại chợ vừa bán vừa xem tín hiệu thị trường, có bán được mới dám nhập heo về. Nguồn hàng của chợ đầu mối phụ thuộc vào các doanh nghiệp, chứ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất ít.
Trong khi đó về Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ thông tin, quy mô đàn heo của địa phương đã giảm 2/3 so với thời kỳ trước, còn 20% trong tổng số hộ nuôi heo.
“Trước đây, bà con đa phần sống bằng nghề chăn nuôi, nhưng giờ cứ nuôi là thua lỗ nên nhiều hộ chuyển nghề. Ai còn tuổi lao động thì đi công ty, người hết tuổi thì ở nhà bóc long nhãn thuê”, ông Chung thông tin và chia sẻ thêm: "Giờ về Ngọc Lũ đìu hiu lắm, nhất là Tết".
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cách đây 2 tháng, nhiều người đã đẩy mạnh tái đàn với mong muốn sẽ thu được một khoản lời nhỏ vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng với tình hình giá cả như hiện nay, cộng thêm sự đe dọa của dịch Tả heo châu Phi thì kỳ vọng giá heo hơi đạt mốc trung bình 60.000 đồng/kg trong những ngày tới rất khó. Thêm vào đó, nhập khẩu từ thịt đông lạnh tới heo sống nhập lậu tràn vào khiến ngành chăn nuôi heo trong nước thêm khó khăn.
“Giá heo hơi xuống thấp, lại kéo theo rủi ro thương lái không mặn mà dù cận Tết”, ông Đoán nói.
Heo nhập lậu về Việt Nam “ăn Tết”
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.
"Do đang vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên tình trạng heo nhập lậu tiếp tục tăng đột biến", Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.
Cụ thể, trong các tuần từ ngày 1-15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam.
Số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg heo hơi, lợi nhuận heo nhập lậu đang khiến chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, người chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất.
Ngoài ra, heo nhập lậu tràn vào nước ta còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong tương lai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn, thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát lực lượng thú y các địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Trước tình hình trên, đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh ngành chăn nuôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát dịch bệnh, cũng như giám sát chất lượng sản phẩm thịt heo đưa ra thị trường.
Về vấn đề kiểm soát thịt nhập lậu, đây là việc làm thường xuyên, cần phải tăng cường đặc biệt ở thời điểm cận Tết. Nếu không kiểm soát chặt, thịt nhập lậu sẽ đem theo mầm bệnh vào Việt Nam gây bùng phát dịch bệnh mới, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh tới sản phẩm nội địa.
“Để ngăn chặn nhập lậu, Thủ tướng đã có yêu cầu tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề này. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như công an, biên phòng, hải quan…”, vị đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ.
Tuy nhiên, với các sản phẩm thịt heo đông lạnh nhập khẩu chính ngạch, Cục Chăn nuôi cho biết, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, tức là tham gia sân chơi toàn cầu thì sản phẩm nội địa phải chấp nhận cạnh tranh. Theo đó, ngành chăn nuôi trong nước cần phải chủ động giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng. Tất nhiên, Việt Nam cũng nghiên cứu thêm các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm chăn nuôi trong nước.