Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/12
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần 3-7/12 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 11/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.775 VND/USD, tăng mạnh 9 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.408 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.305 VND/USD, không thay đổi so với phiên 10/12. Tỷ giá tự do tiếp tục giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.330 - 23.360 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 11/12, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 - 0,08 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,85%; 1 tuần 4,86%; 2 tuần 4,89% và 1 tháng 4,93%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi tăng 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng; giao dịch ở mức: qua đêm 2,32%; 1 tuần 2,45%; 2 tuần 2,53%, 1 tháng 2,72%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp biến động nhẹ ở các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 4,32%; 5 năm 4,53%; 7 năm 4,71%; 15 năm 5,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 13.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 12.954 tỷ đồng. Trong ngày có 17.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 4.046 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 64.267 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động được 6.445/10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh gọi thầu ở 5 kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 7 năm trúng thầu 100%.
Lãi suất trúng thầu ở mức: 3 năm 5,10% (+0,4 điểm phần trăm); 5 năm 5,30% (+0,3 điểm phần trăm); 7 năm 5,50%; 10 năm 5,80% và 15 năm 6,0% (đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước đó).
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua vẫn không khởi sắc, mặc dù cuối phiên, thị trường có phần cân bằng hơn, lực cầu có dấu hiệu quay trở lại, giúp nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thu hẹp đà giảm. Chốt phiên, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,14%) xuống còn 954,58 điểm; HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,22%) xuống 106,59 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch trên 4.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ trên 39 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu - giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020.
Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.
Tin quốc tế
Chỉ số PPI và PPI lõi của Mỹ trong tháng 11 lần lượt tăng 0,1% và 0,3% so với tháng trước, tuy thấp hơn mức tăng 0,6% và 0,5% tháng 10 nhưng cao hơn dự báo 0,0% và 0,1%. Nguyên nhân chủ yếu do giá thực phẩm và giá dịch vụ vận chuyển tăng mạnh. CPI tháng 11 tăng 2,5% so với cùng kỳ, giảm xuống từ mức tăng 2,9% của tháng 10.
Tổ chức ZEW cho biết chỉ số niềm tin kinh tế của Đức trong tháng 12 đạt mức -17,5 điểm, tăng lên từ mức -24,1 điểm của tháng trước đồng thời trái ngược với dự báo giảm xuống mức -25,0 điểm.
Tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong tháng 10 đúng như dự báo, không thay đổi so với tháng trước đó ở mức 4,1%. Số lượng người trong độ tuổi lao động 16-64 tuổi đạt 75,7%, một trong những mức cao nhất kể từ năm 1971. Mức thu nhập trung bình của người dân trong tháng này tăng 3,3%, cao hơn mức điều chỉnh lên 3,1% của tháng trước đó đồng thời cao hơn mức dự báo 3%.