Điểm lại thông tin kinh tế tuần 3-7/12
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/12 |
Tổng quan
Sau khi giảm hơn 10% trong tháng 10, trong tháng 11, VN-Index dù vẫn còn những phiên bị bán tháo nhưng vẫn khép lại bằng mức hồi phục gần 1,3%, giúp thu hẹp mức giảm so với đầu năm xuống còn hơn 5,8%.
Cuối tháng 10, nhiều chuyên gia đã lo ngại chỉ số này có thể tăng trưởng âm, đi ngược xu thế tăng mà chỉ số này đã thiết lập trong 5 năm liền kể từ năm 2012. Trước đó, năm 2011 được cho là đáy khó khăn của kinh tế Việt Nam và của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index rơi xuống mốc 351 điểm, giảm 27,5% so với năm 2010.
Tuy nhiên, việc VN-Index trở về và vượt được mốc 984 điểm của phiên cuối năm 2017 từ mức 958 điểm phiên chốt tuần vừa qua chỉ trong tháng cuối của năm không phải là điều đơn giản.
Một số yếu tố tiêu cực được các chuyên gia nêu ra có khả năng đã tác động xấu đến tăng trưởng của thị trường gồm thời gian qua gồm: lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đã hút một lượng tiền không nhỏ từ các thị trường cận biên và mới nổi về Mỹ.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết dòng vốn và các thị trường mới nổi đang quay trở lại Mỹ và Nhật khá mạnh. Dòng vốn nước ngoài rút ra gián tiếp vào khoảng 37 tỷ USD từ 7 nước ASEAN. Cùng với đó thị trường chứng khoán Trung Quốc có biến động rất lớn, chỉ số mất giá 21%.
Lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu gia tăng khi Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên trong 5 năm; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả thế giới...
Xu hướng thắt chặt tiền tệ của một số ngân hàng trung ương vẫn tiếp diễn khiến đồng tiền của các nước mới nổi mất giá mạnh.
Tuy nhiên, việc thị trường đi lên trở lại trong tháng 11 vừa qua được đánh giá là tích cực, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định và khả năng sẽ tạo đà để tiếp tục tăng trưởng trong tháng còn lại của năm nay. Việc này được xem là khá bất ngờ, khi thống kê cho thấy tháng 11 hằng năm luôn là tháng giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ tính từ năm 2008 đến 2017, VN-Index đã có tới 8 lần giảm điểm với mức giảm đều trên 5% và chỉ có một lần tăng điểm vào năm 2013. Đồng thời, các nhà phân tích cũng chỉ ra nhiều yếu tố tích cực giúp kéo dài đà tăng của tháng 11 sang tháng 12 cuối năm.
Cụ thể, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất vừa qua là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tại Argentina, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí sẽ tạm “đình chiến” bằng cách ngưng áp đặt các biện pháp trừng phạt và trả đũa thương mại để có thêm thời gian 3 tháng tiếp tục đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại toàn diện.
Thông tin này được xem là lực đẩy quan trọng có thể thúc đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng tạm giảm được nỗi lo thường trực, theo đó có thể tăng điểm trở lại thời gian tới, ít nhất là cho đến gần thời hạn 90 ngày mà phía Mỹ đặt ra.
Yếu tố nữa rất được các nhà đầu tư quan tâm là các doanh nghiệp sẽ bắt đầu công bố kết quả lợi nhuận ước tính của năm nay, cũng như kế hoạch cho năm 2019 và mức chia cổ tức dự kiến. Những thông tin này luôn là chất xúc tác cho thị trường vào cuối năm, bên cạnh lực mua của nhà đầu tư tổ chức để kéo thị trường lên nhằm làm đẹp sổ sách.
Ở chiều ngược lại, yếu tố có thể tác động đến thị trường là khả năng nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, dự kiến sẽ diễn ra trong cuộc họp vào cuối tháng 12.
Việc Fed tăng lãi suất bao giờ cũng có những tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính cũng như tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này đã được dự báo suốt thời gian qua, do đó xem như đã phản ánh vào giá thị trường, vì vậy khả năng sẽ không còn gây áp lực quá lớn như trước.
Một yếu tố tiêu cực khác cũng có thể tác động không mong muốn đến thị trường là căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng giai đoạn cuối năm có thể gia tăng áp lực lên lãi suất, vốn luôn tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán cũng như kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Dù vậy, khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục có những giải pháp linh hoạt để cung ứng thanh khoản hợp lý cho các ngân hàng, tránh để căng thẳng quá mức có thể gây ra bất ổn cho nền kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 3-7/12, Ngân hàng Nhà nước tăng dần tỷ giá trung tâm qua các phiên. Chốt tuần 7/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.764 VND/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.397 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng giảm qua các phiên trong tuần. Chốt tuần 7/12, tỷ giá giao dịch ở mức 23.312 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng giảm dần trong tuần. Kết thúc ngày 7/12, tỷ giá giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.360 VND/USD - 23.375 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, sau khi tăng mạnh phiên đầu tuần, lãi suất liên ngân hàng VND có xu hướng đi ngang ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm trở lại ở các kỳ hạn dài hơn. Chốt tuần 7/12, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,80% (+0,23 điểm phần trăm); 1 tuần 4,84% (+0,09 điểm phần trăm); 2 tuần 4,86% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 4,89% (-0,09 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 07/12, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,34% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 2,45% (+0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,53/% (+0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,70% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 3-7/12, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 70.000 tỷ đồng, vẫn duy trì kỳ hạn 7 ngày và lãi suất ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 68.313 tỷ đồng. Trong tuần có 44.785 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 23.528 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua thông qua kênh cầm cố, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 68.313 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên mức 28.960 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.200/5.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, trong đó gồm 1.200 tỷ đồng trái phiếu phát hành bổ sung. Toàn bộ trái phiếu huy động được ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm, lãi suất trúng thầu lần lượt là 5,1% và 5,3% - không biến động so phiên trước.
Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch tích cực khi cả 2 sàn đều tràn ngập sắc xanh và giá trị giao dịch tăng khá mạnh so với tuần trước đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 7/12, VN-Index đứng ở mức 958,59 điểm, tăng mạnh 32,05 điểm (+3,46%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,32 điểm (+2,21%), lên mức 107,14 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt trên mức trung bình với giá trị giao dịch ở mức 5.100 tỷ đồng/phiên. Khối lượng giao dịch mua - bán của khối ngoại tuần qua tương đối cân bằng, kết thúc tuần khối này bán ròng nhẹ trên 11 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, tình hình chiến tranh thương mại sau thoả thuận “Đình chiến 90 ngày” và những hứa hẹn của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa được cụ thể hoá bằng những hành động, tuy nhiên thế giới lại phải chứng kiến sự kiện Phó chủ tịch công ty Huawei của Trung Quốc bị bắt tại Canada. Thế giới lại một lần nữa lo lắng những xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.
Kinh tế Mỹ những ngày gần đây đón nhận những dấu hiệu khả quan nhưng cán cân thương mại tháng 10 tiếp tục thâm hụt sâu hơn so với tháng tháng trước đó.
Cũng trong tuần vừa qua, Anh bước vào cuộc thảo luận và bỏ phiếu kéo dài 5 ngày đối với thoả thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May đề ra. Đây được coi là bước quan trọng nhất bà May cần đạt được để chốt lại sự kiện mang tính lịch sử của nước này cũng như của Liên minh châu Âu.
Hiện tại, bà May đang gặp nhiều khó khăn khi đa số thành viên Quốc hội Anh liên tục bày tỏ sự không đồng thuận, thị trường chờ đợi kết quả cuối cùng nhiều khả năng sẽ được công bố vào ngày 11/12/2019.
Kinh tế Úc trong tuần cho thấy những dấu hiệu bắt đầu giảm tốc từ những thông tin kinh tế, mặc dù trong tuần qua, tại phiên họp tháng 12, Ngân hàng Trung ương Úc RBA nhận định kinh tế đang trên đà phát triển thuận lợi và sẽ còn kéo dài cho đến hết năm 2019.