Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/11
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần 5-9/11 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 14/11, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.725 VND/USD, giảm nhẹ trở lại 2 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.357 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.316 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên 13/11. Tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 - 23.460 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 14/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần trong khi tăng tương tự ở các kỳ hạn dài hơn so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 4,80%; 1 tuần 4,85%; 2 tuần 4,87% và 1 tháng 4,92%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 1 tháng tăng 0,01 điểm phần trăm; giao dịch ở mức: qua đêm 2,30%; 1 tuần 2,39%; 2 tuần 2,48%, 1 tháng 2,66%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể 3 năm 4,56%; 5 năm 4,71%; 7 năm 4,84%; 15 năm 5,38%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 8.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày lãi suất 4,75%, các tổ chức tín dụng hấp thu được 7.727 tỷ đồng, trong khi có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.273 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 63.385 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu, phiên hôm qua cũng không có tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức 28.960 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 14/11, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 4.100 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm. Kết quả, Cơ quan này chỉ huy động được 2 loại kỳ hạn dài 10 năm và 15 năm với 1.000 tỷ đồng mỗi loại. Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ; cụ thể: kỳ hạn 10 năm 5,03% (+0,03 điểm phần trăm) và kỳ hạn 15 năm 5,30% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán sau khi tăng điểm trong phiên sáng, phiên chiều diễn ra khá tiêu cực, sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chiếm ưu thế. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,45 điểm (-0,49%) xuống 900,93 điểm; HNX-Index giảm 1,27 điểm (-1,24%) xuống 101,2 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương phiên trước với tổng giá trị giao dịch trên 3.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị trên 22 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Ngày 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. Theo đó, quyết nghị tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỉ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỉ đồng. Về chi, Quốc hội quyết nghị tổng số chi ngân sách Trung ương là 1,019 triệu tỉ đồng.
Tin quốc tế
Chỉ số giá tiêu dùng CPI Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 10, cao hơn mức được điều chỉnh tăng 0,1% của tháng trước đó và mức dự báo 0,2% của thị trường. CPI tăng chủ yếu là do giá xăng dầu tăng mạnh trong tháng, trong khi đó giá thực phẩm lại giảm nhẹ trong tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI tăng 2,5%.
GDP Đức trong quý III giảm 0,2% so với quý trước sau khi tăng trưởng 0,5% trong quý II, nghiêm trọng hơn mức dự báo giảm 0,1% của các chuyên gia. Đây là quý đầu tiên Đức ghi nhận GDP giảm sau quý II năm 2015.
GDP của Nhật Bản đã giảm 0,3% so với quý trước trong quý III sau khi tăng trưởng 0,7% trong quý II, đúng với dự báo của các chuyên gia. Nguyên nhân chính dẫn đến giảm sút là do thiên tai làm giảm nhu cầu trong nước, song đây là yếu tố mang tính tạm thời.