Điểm lại thông tin kinh tế tuần 5-9/11
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/11 |
Tổng quan
Sáng 8/11, 447/450 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, chỉ tiêu đầu tiên xác định tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%.
Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%; dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Về chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI khoảng 4%, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, Quốc hội lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 văn bản liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Tại văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 7/11/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Cụ thể: (i) Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; (ii) Rà soát, cập nhật Kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm cho giai đoạn từ 14/8/2017 đến 15/8/2022, triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra; (iii) Rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42; (iv) Phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương; (v) Phối hợp với Công ty VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC; (vi) Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện có hiệu quả Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, đảm bảo đúng lộ trình đề ra.
Cùng ngày, Thống đốc đã ban hành văn bản số 8426/NHNN-TTGSNH chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực đôn đốc, chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.
Theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty VAMC để các đơn vị này thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42; tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan (công an, tài chính, thuế, tài nguyên môi trường…) và đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án tại địa bàn tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 10 của cả nước, theo đó tháng 10 cả nước xuất siêu 0,77 tỷ USD, lũy kế 10 tháng năm 2018, cả nước xuất siêu 7,21 tỷ USD.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 5-9/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biến động tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 9/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.723 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.355 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm khá mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 9/11, tỷ giá giao dịch ở mức 23.290 VND/USD, giảm 25 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng theo xu hướng giảm trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 9/11, tỷ giá giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.410-23.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 9/11, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,79% (+0,07 điểm phần trăm); 1 tuần 4,82% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 4,83% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tháng 4,87% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động không đang kể ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 9/11, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,30 (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,38% (-0,01 điểm phần trăm), 2 tuần 2,47% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,64% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 56.000 tỷ đồng vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 52.658 tỷ đồng. Trong tuần có 34.000 tỷ đồng đáo hạn, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 52.658 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, khối lượng tín phiếu đáo hạn ở mức 2.000 tỷ đồng. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 28.960 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 20.659 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp giao dịch trầm lắng khi khối lượng dự thầu chỉ cao gấp 1,7 lần khối lượng gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 45%.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.600 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở 3 loại kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Tuy nhiên, Cơ quan này chỉ huy động được 829 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và 800 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ: 10 năm 5% (+0,10 điểm phần trăm) và 15 năm 5,25% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua, xu hướng chung của thị trường là tiêu cực khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm, đặc biệt phiên cuối tuần. Chốt tuần 9/11, VN-Index đứng ở mức 914,29 điểm, giảm 10,57 điểm (-1,14%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,74 điểm (-2,59%) xuống 103,01 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức dưới trung bình với giá trị giao dịch đạt gần 3.500 tỷ đồng/phiên. Điểm sáng trong tuần là việc khối ngoại tiếp tục mua ròng trên 324 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Hai sự kiện nổi bật ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế tuần qua là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 6/11 và kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7 - 8/11.
Cuộc bầu cử đã kết thúc với cán cân quyền lực chia đều cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Đồng USD suy yếu sau kết quả trên vì nhà đầu tư cho rằng việc đảng Dân chủ chiếm quyền kiểm soát Hạ viện sẽ gây khó khăn cho quá trình thông qua thêm các gói kích thích tài khóa.
Thế nhưng, đồng USD đã phục hồi trở lại nhờ bức tranh kinh tế Mỹ tươi sáng và lập trường thắt chặt lãi suất của Fed.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Úc RBA quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ với mức lãi suất thấp kỷ lục 1,5% trong phiên họp ngày 6/11. Quyết định này được đưa ra giữa bối cảnh tình trạng mức nợ hộ gia đình cao, điều kiện cho vay thắt chặt, tiền lương và lạm phát tăng chậm chạp và giá nhà đang giảm có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng.