Điểm lại thông tin kinh tế tuần 10-14/12
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/12 |
Tổng quan
Ngày 4/12 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019. Theo đó, doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được phát hành trái phiếu.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước có mệnh giá là 100 nghìn đồng hoặc là bội số của 100.000 đồng.
Việc sử dụng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài việc tuân thủ quy định nêu trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường theo phương án phát hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
So với Nghị định NĐ90/2011/NĐ-CP trước đó, Nghị định mới này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư ở nhiều điểm.
Cụ thể, theo quy định trước đây, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi. Quy định mới không yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi mà chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
Một điểm quan trọng nữa tại Nghị định 163 đó là doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu để giảm nợ hoặc cơ cấu lại nợ.
Bên cạnh những điểm thoáng hơn thì quy định tại Nghị định 163 cũng yêu cầu chặt chẽ hơn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đó là, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có lịch sử thanh toán gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đó đầy đủ, trong khi ở Nghị định cũ không quy định điều này.
Mặt khác, để hỗ trợ các nhà đầu tư, Nghị định mới cũng quy định cụ thể hơn về công bố thông tin và chế độ báo cáo với mục tiêu minh bạch và công khai. Theo đó, Nghị định yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu phải thực hiện công bố thông tin cho đầu mối là sở giao dịch chứng khoán.
Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm xây dựng và vận hành một chuyên trang thông tin để tổng hợp thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chuyên trang sẽ bao gồm thông tin doanh nghiệp phát hành, tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế (mã trái phiếu, khối lượng, điều khoản mua lại hoán đổi, thị trường phát hành...).
Ngoài ra, định kỳ 6 tháng và 1 năm, Sở giao dịch chứng khoán chịu trách nhiệm báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lãi suất phát hành bình quân, số lượng doanh nghiệp đăng ký, lưu ký trái phiếu, tình hình thanh toán gốc lãi và số lượng trái chủ sở hữu.
Là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất nhỏ bé so với kênh tín dụng ngân hàng và quy mô thị trường các nước trong khu vực.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49.000 tỷ đồng/năm, trong đó, khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011.
Dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng nhanh nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Đồng thời, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20 - 50% GDP của các nước trong khu vực.
Nghị định mới được ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, giảm áp lực cung cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể huy động vốn từ thị trường này.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 10-14/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng dần qua các phiên. Chốt tuần 14/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.778 VND/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.411 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng giảm qua các phiên trong tuần. Chốt tuần 14/12, tỷ giá giao dịch ở mức 23.291 VND/USD, giảm 19 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục xu hướng giảm dần của tuần trước đó. Kết thúc ngày 14/12, tỷ giá giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 35 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.320 - 23.340 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND không xác định rõ xu hướng khi biến động tăng/giảm qua các phiên trong tuần. Chốt tuần 14/12, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,77% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 4,81% (-0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 4,86% (không thay đổi); 1 tháng 4,89% (không thay đổi).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD giảm nhẹ trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 14/12, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,31% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,42% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,51/% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,67% (-0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 10-14/12, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 61.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn duy trì ở mức 7 ngày và lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 60.033 tỷ đồng. Trong tuần có 68.313 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 8.280 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua thông qua kênh cầm cố, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 60.033 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên mức 28.960 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, cả Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia gọi thầu trái phiếu Chính phủ với tổng khối lượng gọi thầu đạt 18.300 tỷ đồng. Khối lượng trúng thầu đạt mức 13.675 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 75%.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam gọi thầu 10.000 tỷ đồng cho các loại kỳ hạn từ 3 năm 15 năm. Kết quả, cơ quan này huy động được 6.445/10.000 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu đạt mức 64%. Lãi suất trúng thầu ít biến động so phiên trước.
Kho bạc Nhà nước gọi thầu 8.300 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở ba loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, ngược lại kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 3.900 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 3.330/3.900 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu ít biến động so phiên trước, kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 5,1% và 5,3%.
Thị trường chứng khoán tuần qua giao dịch lình xình khi cả 2 chỉ số không xác định rõ xu hướng, tăng giảm nhẹ qua các phiên; khối lượng giao dịch vẫn ở trên mức trung bình.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 14/12, VN-Index đứng ở mức 952,04 điểm, giảm 6,55 điểm (-0,68%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,46%), xuống mức 106,65 điểm.
Thanh khoản thị trường tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch ở mức gần 5.000 tỷ đồng/phiên. Chỉ có 1 phiên bán ròng trong tuần nên kết thúc tuần, khối ngoại mua ròng trên 143 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, đình chiến thương mại Mỹ - Trung đạt được những bước tiến cụ thể đầu tiên khiến thị trường trở nên lạc quan hơn.
Thị trường Mỹ và quốc tế chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra vào ngày 18-19/12.
Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB không có sự thay đổi lãi suất chính sách cho đến hết hè 2019, đồng thời tái đầu tư các khoản thu được khi bắt đầu tăng lãi suất. Chủ tịch ECB trả lời kinh tế khu vực đang trở nên lạc quan hơn.
Cũng trong tuần qua, Ý trình kế hoạch giảm mức thâm hụt ngân sách mục tiêu lên Uỷ ban châu Âu.
Tại nước Anh, Thủ tướng May rời cuộc bỏ phiếu Brexit sang ngày 21/1/2019 do không đạt được sự đồng thuận từ Quốc hội. Bà May cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ các nhà lập pháp và đang trên đường tìm sự hỗ trợ từ các nước trong khu vực nhằm có kế hoạch Brexit mới với Uỷ ban châu Âu.