Điểm lại thông tin kinh tế tuần 19-23/11
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/11 |
Tổng quan
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, khi cơ chế hiện hành sẽ kết thúc vào 31/12/2018.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú được quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN và được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 18/2017/TTNHNN ngày 27/12/2017.
Điểm sửa đổi duy nhất của Thông tư 18 so với Thông tư 24 là tiếp tục gia hạn thêm 1 năm cho nhu cầu vay vốn ngoại tệ “Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu” đến hết ngày 31/12/2018.
Điểm nổi bật của dự thảo Thông tư mới là kéo dài và quy định chi tiết việc cho vay thanh toán ra nước ngoài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất (1) là cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Thứ hai (2) là cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Thứ ba (3) là cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay (nhu cầu cho vay này được thực hiện không giới hạn về thời gian). Quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn.
Theo số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VND.
Vì vậy, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư mới dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; theo quy định hiện hành tại Thông tư số 18/2017/TT-NHNN là đến hết ngày 31/12/2018.
Quy định này cùng với qui định tại mục (3) của điểm a khoản 1 Điều 3 được cơ cấu lại nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao (đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung).
Bên cạnh đó, chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng).
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu hướng quy định chi tiết hơn một số điểm thực hiện trên thực tế, theo hướng giám sát chặt nguồn ngoại tệ vay và trả, để quản lý và hạn chế "yếu tố ảo" cung - cầu liên quan đến tỷ giá, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch mua - bán ngoại tệ…
Qua dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh định hướng lâu dài, chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 19-23/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng liên tục cả 5 phiên, đặc biệt phiên cuối tuần tăng mạnh 10 đồng. Chốt tuần 23/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.743 VND/USD, tăng 22 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.375 VND/USD.
Đặc biệt, phiên cuối tuần 23/11, Ngân hàng Nhà nước thông báo bán ngoại tệ trong 2 phiên 23 và 26/11, ngày đến hạn là 31/1/2019, tỷ giá bán kỳ hạn là 23.462 VND/USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi tiếp tục tăng mạnh 3 phiên đầu tuần, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm trở lại vào 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 23/11, tỷ giá giao dịch ở mức 23.330 VND/USD, tăng 21 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần. Kết thúc ngày 23/11, tỷ giá giảm 30 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.400 VND/USD - 23.420 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND đã giảm trở lại sau khi tăng khá mạnh đầu tuần ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 23/11, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,83% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,86% (+0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,88% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 4,91% (-0,03 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD vẫn tiếp tục bình ổn ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 23/11, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,30% (+0,02 đ điểm phần trăm); 1 tuần 2,40% (+0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 2,49/% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,64% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 19-23/11, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 66.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 63.655 tỷ đồng. Trong tuần có 58.566 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.089 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua thông qua kênh cầm cố, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 63.655 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên mức 28.960 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước tăng khối lượng gọi thầu lên 6.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm, trong đó tập trung ở các kỳ hạn dài 10 và 15 năm với 2.600 tỷ đồng/loại. Khối lượng đặt thầu cao gấp 1,7 lần khối lượng cần huy động, tuy nhiên tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 47%.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước huy động được 1.835 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và 1.100 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu tiếp tục tăng nhẹ ở kỳ hạn 10 năm lên 5,06% (+0,03 điểm phần trăm), trong khi kỳ hạn 15 năm không thay đổi tại 5,30%.
Thị trường chứng khoán tuần qua tương đối tích cực khi cả 2 chỉ số đều tăng điểm, thanh khoản có cải thiện so với tuần trước đó. Chốt tuần 23/11, VN-Index đứng ở mức 917,97 điểm, tăng trở lại 19,78 điểm (+2,20%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,26 điểm (+1,22%), lên mức 104,27 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức trung bình với giá trị giao dịch đạt trên 4.200 tỷ đồng/phiên. Tuy đã mua ròng trở lại trong phiên cuối tuần, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh trên 377 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục cáo buộc nhau tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ngày 21/11. Cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng đưa ra báo cáo đề cập việc Trung Quốc chưa dừng những hành động thương mại không công bằng, thậm chí còn tăng cường tấn công mạng để đánh cắp tài sản trí tuệ.
OCED hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 từ 3,7% xuống còn 3,5% vì chiến tranh thương mại, tuy nhiên vẫn giữ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ 2018 và 2019 lần lượt đạt 2,9% và 2,7%.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sau cuộc họp Thượng đỉnh cho biết “EU27 chấp nhận Thỏa thuận Rút lui và Tuyên bố Chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai”. Nội dung thỏa thuận được chấp nhận bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân, vấn đề Bắc Ireland và giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời tạo nền tảng cho mối quan hệ an ninh và thương mại trong tương lai.