Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/2
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/2 |
Tổng quan
Ngân hàng Nhà nước đầu tháng 2 đã công bố lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế các thông tư trước gồm Thông tư số 27/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 và số 23/2015/TT-NHNN ngày 4/12/2015.
Theo Bản thuyết mình của Ngân hàng Nhà nước về dự thảo này, Thông tư này bổ sung, sửa đổi một số nội dung chính sau:
Thông tư bổ sung quy định loại trừ một số đối tượng tổ chức tín dụng không áp dụng dự trữ bắt buộc, gồm: tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.
Nhóm đối tượng được kiểm soát đặc biệt hiện có Ngân hàng Đông Á (sau khi đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), ba ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng VNCB; Ngân hàng OceanBank; Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu GPBank.
Dự thảo Thông tư cũng quy định việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật này.
Theo Luật, tổ chức tín dụng hỗ trợ là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, đến nay, Vietcombank, VietinBank, BIDV đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc chính là những tổ chức tín dụng được giảm dự trữ bắt buộc theo Thông tư này.
Theo các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng cũng như các văn bản hiện hành, tổ chức tín dụng hỗ trợ cũng được hưởng một số quyền lợi khác nữa. Cụ thể, được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%; không bị hạn chế về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh theo quy định; các khoản cho vay, tiền gửi tại tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước…..
Thị trường kỳ vọng, khi dự thảo Thông tư này được thông qua, dù số lượng tổ chức tín dụng được miễn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc không nhiều, nhưng phạm vi lượng tiền gửi dự kiến sẽ là một bộ phận lớn, do những ngân hàng hỗ trợ (nếu cả Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng được giảm) đang chiếm thị phần huy động lớn trong hệ thống, sẽ giải phóng được lượng tiền khá lớn ra thị trường. Tuy nhiên, còn phụ thuộc các quy định liên quan và sẽ phải chờ chính sách cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành, đồng thời tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường tiếp tục được giữ ổn định như kỳ trước.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 11-15/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt tuần 15/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.915 VND/USD, tăng mạnh 48 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.552 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục dao động quanh tỷ giá mua giao ngay của Ngân hàng Nhà nước trong tuần vừa qua. Chốt tuần 15/2, tỷ giá giao dịch ở mức 23.201 VND/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 15/2, tỷ giá chỉ giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.200 VND/USD - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND giảm mạnh qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 15/2, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,50% (-0,34 điểm phần trăm); 1 tuần 4,64% (-0,20 điểm phần trăm); 2 tuần 4,70% (-0,30 điểm phần trăm); 1 tháng 4,84% (-0,27 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục tăng/giảm nhẹ qua các phiên trong tuần ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 15/2, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (không thay đổi); 1 tuần 2,61% (+0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,68/% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,86% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 11-15/2, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh khối lượng chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 32.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn giảm xuống 7 ngày, lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 13.796 tỷ đồng. Trong tuần có 60.573 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 51.558 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 101.061 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 10.950/11.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu các kỳ hạn từ 7 đến 30 năm (tỷ lệ trúng thầu 93%). Trong đó, lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn giảm từ 1-14 điểm so phiên đấu thầu trước, lần lượt là kỳ hạn 7 năm: 4,05%; 10 năm: 4,7%; 15 năm: 5,03% và 30 năm: 5,79%.
Thị trường chứng khoán tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ diễn biến rất tích cực khi cả 2 chỉ số đều tăng mạnh và giá trị giao dịch cao, đồng thời khối ngoại mua ròng với khối lượng lớn. Chốt tuần 15/02, VN-Index đứng ở mức 950,89 điểm, tăng mạnh 42,22 điểm (+4,65%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,77 điểm (+2,68%), lên mức 106,11 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch ở gần 4.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh trên 1.930 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài 2 ngày là tin tức được chú ý hàng đầu trong tuần vừa qua. Cả hai nước đã có nhiều nỗ lực song vẫn chưa thể đưa ra những thỏa thuận mới do sự bất đồng quan điểm về quyển sở hữu công nghệ của Mỹ và chính sách bảo hộ thương mại của Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khá lạc quan và cho rằng cuộc đàm phán rất mang tính xây dựng. Hai nước sẽ có cuộc đàm phán tiếp theo trong tuần này tại Washington.
Chỉ còn đúng 10 ngày cho tới khi hết hạn “Thỏa thuận đình chiến 90 ngày”, tuy nhiên Tổng thống Trump gần đây cho biết có thể sẽ lùi ngày áp thuế mới nếu hai bên có thể đi đến những thỏa thuận cụ thể.
Trong tuần, Mỹ đón nhận những thông tin tiêu cực về cả ba chỉ số CPI, doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất. Thị trường tin rằng Fed sẽ không thay đổi lãi suất chính sách trong kỳ họp tiếp theo, sẽ diễn ra vào ngày 19/3.
Tăng trưởng kinh tế tại châu Âu cũng cho thấy sự giảm tốc rõ rệt, đặc biết là ở Anh khi nước này cùng lúc phải đổi mặt với các vẫn đề chính trị và kinh tế.
Thủ tướng Anh Theresa May gặp thất bại trong cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến Quốc hội tuần vừa qua với 45 phiếu chênh lệch. Ngày càng có ít sự ủng hộ cho bà May để tìm kiếm một bản dự thảo Brexit mới.
Về kinh tế, GDP và sản lượng sản xuất của Anh đều giảm trong tháng 12, đồng thời tiêu cực hơn dự đoán trong quý IV/2018. Có thể phải chờ đợi lâu để Anh có thể khôi phục lại trạng thái ổn định mà nước này đã có từ trước thời điểm quyết định rời khỏi liên minh châu Âu.