Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 12-16/11
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế 15/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/11 |
Tổng quan
Giá dầu đã giảm hơn 20 USD/thùng từ khi lập đỉnh 4 năm hồi đầu tháng 10. Khi ấy, Brent lên gần 87 USD và WTI gần chạm 77 USD/thùng. Nhưng giờ đây, cả hai loại dầu này đều đang chìm sâu vào thị trường giá xuống khi mất hơn 20% so với đỉnh một năm.
Vào tháng 9 và tháng 10, giới phân tích và các tổ chức giao dịch dầu thô hàng đầu toàn cầu dự báo giá dầu Brent ở thị trường London sẽ chạm mức 90 thậm chí 100 USD/thùng vào cuối năm nay, do lo ngại nguồn cung suy giảm mạnh bởi tác động từ lệnh cấm vận dầu của Mỹ nhằm vào Iran.
Tuy nhiên giờ đây, họ lại lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa khi bức tranh thị trường dầu thay đổi đột ngột. Theo giới chuyên gia, 4 nguyên nhân dưới đây có thể khiến giá dầu lao dốc.
Thứ nhất là chứng khoán bị bán tháo. Dầu và chứng khoán không thường xuyên biến động song song, nhưng tháng trước, chúng có liên quan mật thiết đến nhau. Dầu thô lên đỉnh 4 năm do các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong OPEC.
Số liệu hồi tháng 9 cho thấy từ khi Mỹ đe dọa trừng phạt Iran hồi tháng 5, xuất khẩu của nước này đã giảm tới 800.000 thùng mỗi ngày, làm dấy lên nhiều đồn đoán các công ty nhập khẩu dầu sẽ khó tìm nguồn cung. Việc này đã khiến giá dầu dễ tổn thương khi chứng khoán lao dốc.
Một tuần sau khi dầu chạm đỉnh, hai phần ba mã trong chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh. Điều này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo tài sản rủi ro, trong đó có các hợp đồng dầu thô tương lai.
Thứ hai là triển vọng nhu cầu yếu. Hồi tháng 10, cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tiêu thụ dầu sẽ tăng chậm hơn dự báo, do các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại vì căng thẳng thương mại, lãi suất tăng và tiền tệ các nước mới nổi yếu đi.
USD đã tăng 3% so với rổ tiền tệ lớn trong 2 tháng qua. Dầu thô, được niêm yết bằng USD, vì thế càng đắt đỏ với các nước ngoài Mỹ.
Thứ ba là sản lượng tăng. Ba nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đều đang bơm dầu với tốc độ gần kỷ lục. 15 thành viên OPEC cũng đang tăng sản xuất có kiểm soát.
Vài tháng gần đây, sản lượng của Mỹ đã chạm 11 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tốc độ của Nga cũng gần tương đương. Con số này của Saudi Arabia là 10,6 triệu thùng trong tháng 10.
Thứ tư là các nước được tiếp tục nhập dầu từ Iran. Quyết định của Mỹ cho phép 8 quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran trong 6 tháng tới mà không bị trừng phạt đã xoa dịu áp lực lên giá dầu.
OPEC và các đồng minh đang cân nhắc phương án cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu giảm liên tiếp vừa qua. Các nước này có thể sẽ đưa ra đợt cắt giảm sản lượng mới tại cuộc họp ở Vienna vào tháng tới.
OPEC và Nga, đang bàn bạc về một đề xuất giảm sản lượng tới 1,4 triệu thùng mỗi ngày. Ngày 12/11, Saudi Arabia đã hối thúc các nước sản xuất dầu cắt giảm 1 triệu thùng/ngày, trong đó, nước này sẽ cắt giảm khoảng 500.000 thùng mỗi ngày.
Trong báo cáo hàng tháng tháng 11, OPEC cho rằng trong năm 2018, nhu cầu dầu mỏ tăng 1,5 triệu thùng/ngày, giảm 40.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân là do nhu cầu giảm ở Trung Đông và Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu trong năm 2019 sẽ tăng 1,29 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 70.000 thùng/ngày so với báo cáo hồi tháng 9.
OPEC cũng lưu ý rằng gần đây, các tổ chức kinh tế điều chỉnh các dự báo theo hướng hạ thấp tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 cùng với các bất ổn thương mại càng làm gia tăng áp lực giảm cầu trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, dư thừa nguồn cung vẫn sẽ diễn ra trong năm 2019. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm tới sẽ thấp hơn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2018 và thấp hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện tại của OPEC.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 12-16/11, tỷ giá trung tâm vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biến động tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 16/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.721 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.353 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng khá trở lại vào đầu tuần nhưng giảm nhẹ 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 16/11, tỷ giá giao dịch ở mức 23.307 VND/USD, tăng 17 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng theo xu hướng tăng trước giảm sau. Kết thúc ngày 16/11, tỷ giá tăng 20 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.430 VND/USD - 23.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND chỉ tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 16/11, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,82% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 4,84% (+0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,86% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tháng 4,94% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD vẫn trong trạng thái ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 16/11, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,28% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,38% (không thay đổi), 2 tuần 2,48/% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,65% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 59.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%. Các TCTD hấp thụ được 58.566 tỷ đồng. Trong tuần có 52.658 tỷ đồng đáo hạn, như vậy khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 58.566 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.907 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua thông qua kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần, không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên mức 28.960 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước tăng khối lượng gọi thầu lên 4.100 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm. Khối lượng đặt thầu cao gấp 1,7 lần khối lượng cần huy động, tuy nhiên tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 49%.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước này huy động được ở 2 loại kỳ hạn dài 10 và 15 năm với 1.000 tỷ đồng mỗi loại. Lãi suất trúng thầu tiếp tục tăng nhẹ, cụ thể: kỳ hạn 10 năm 5,03% (+0,03 điểm phần trăm) và kỳ hạn 15 năm 5,30% (+0,05 điểm phần trăm).
Chứng khoán mặc dù đã tăng trở lại vào phiên cuối tuần, thị trường vẫn khá tiêu cực trong tuần qua khi hai chỉ số vẫn trong đà giảm điểm. Chốt tuần 16/11, VN-Index đứng ở mức 898,19 điểm, giảm 16,10 điểm (-1,76%) so với tuần trước đó; HNX-Index không thay đổi, duy trì ở mức 103,01 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy cao hơn so với tuần trước đó nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình với giá trị giao dịch đạt gần 3.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh trên 897 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, triển vọng tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến nhà đầu tư quay lưng với tài sản trú ẩn an toàn như USD và JPY.
Tổng thống Donald Trump ngày 16/11 nói rằng ông lạc quan về khả năng giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung sau khi nhận được phản hồi từ phía Bắc Kinh đối với các yêu cầu của Washington.
Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng chịu sức ép giảm sau khi các quan chức Fed chỉ ra những thách thức đối với kinh tế Mỹ trong năm 2019, theo đó có thể làm chậm lại lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, hiện với 3 đợt nâng lãi suất dự kiến. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cập nhật dự báo kinh tế và lộ trình nâng lãi suất vào kỳ họp 18 - 19/12.
Tại Anh, sau khi bản dự thảo kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May được Nội các thông qua ngày 13/11, lần lượt ông Dominic Raab, Bộ trưởng Brexit và bà Esther McVey, Bộ trưởng Bộ Lao động đã đệ đơn từ chức để phản đối các đề xuất của bà May.
Đây là tín hiệu cho thấy khả năng thông qua bản dự thảo này tại Quốc hội sẽ rất khó khăn. Đồng thời, tương lai chính trị của bà May cũng bị đe dọa với những lời kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Chính phủ.
Thủ tướng May tuyên bố sẽ đấu tranh để giữ bản thảo về thỏa thuận Brexit của bà giữa những thách thức từ chính các lãnh đạo trong đảng của mình.