Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/5 |
Tổng quan
Trong kỳ 1 tháng 5/2019, cán cân thương mại thâm hụt 1,85 tỷ USD, cao nhất từ đầu năm, qua đó đưa cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay thâm hụt 1,01 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2019 (từ ngày 1/5 đến ngày 15/5/2019) đạt 21,24 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%, tương ứng tăng 97 triệu USD so với nửa cuối tháng 4/2019. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 178,81 tỷ USD, tăng 8,8%, tương ứng tăng 14,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2019 đạt 9,69 tỷ USD, giảm 9,5%, tương ứng giảm 1,01 tỷ USD so với 15 ngày cuối tháng 4/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 88,9 tỷ USD, tăng 6,7%, tăng 5,59 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018. So với nửa cuối tháng 4/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 241 triệu USD, tương ứng giảm 12,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 124 triệu USD (giảm 9%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 52 triệu USD (giảm 7,4%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 47 triệu USD (giảm 10,5%)...
Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2019 đạt 11,54 tỷ USD, tăng 10,7% (tương ứng tăng 1,11 tỷ USD so với 15 ngày cuối tháng 4/2019). Tính đến hết ngày 15/5/2019, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 89,91 tỷ USD, tăng 10,9% (tăng 8,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018). So với nửa cuối tháng 4/2019 nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2019 biến động tăng ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 336 triệu USD, tương ứng tăng 17,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 227 triệu USD (tăng 15,5%); vải các loại và linh kiện tăng 116 triệu USD (tăng 19,7%); thức ăn gia súc các loại tăng 67 triệu USD (tăng 56,6%); chất dẻo nguyên liệu tăng 64 triệu USD (tăng 18,3%)...
Có thể thấy, trong khi cùng kỳ này năm ngoái, lũy kế từ đầu năm cả nước xuất siêu 2,52 tỷ USD, thì năm nay, cả nước lại nhập siêu đến 1,01 tỷ USD. Việc nhập siêu lớn trong nửa đầu tháng 5 cũng đã diễn ra vào năm 2018 khi kỳ 1 tháng 5/2018 cả nước nhập siêu 1,37 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này thấp hơn con số nhập siêu tới 1,85 tỷ USD của năm nay.
Xuất nhập khẩu năm nay biến động mạnh liên tục từ đầu năm. Khi trong tháng 1 xuất siêu 815 triệu USD (tháng 1/2018 xuất siêu 18 triệu); tháng 2 nhập siêu 769 triệu USD (tháng 2/2018 xuất siêu 300 triệu); tháng 3 quay lại xuất siêu 1,627 tỷ USD (tháng 3/2018 xuất siêu 2,26 tỷ USD). Nhưng tới tháng 4, cán cân thương mại lại thâm hụt 554 triệu USD (tháng 4/2018 xuất siêu 1,17 tỷ USD) và 15 ngày đầu tháng 5 nhập siêu tiếp tục được nới rộng (kỳ 1 tháng 5/2018 nhập siêu 1,37 tỷ USD). Nếu tình hình xuất nhập khẩu không có những đột biến, các chuyên gia cho rằng chúng ta khó có thể hi vọng cán cân thương mại sẽ đạt được mức tích cực như năm 2018.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 20-24/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh trong phiên đầu tuần và tăng giảm nhẹ qua các phiên còn lại. Chốt tuần 24/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.066 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.708 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng/giảm khá mạnh trong tuần qua. Chốt tuần 24/5, tỷ giá giao dịch ở mức 23.400 VND/USD, tăng 60 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 24/5, tỷ giá tăng 120 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.400 - 23.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND ít biến động ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 24/5, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,15% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 3,30% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 3,40% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tháng 3,67% (+0,01 điểm phần trăm).
Tương tự, lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ trong tuần. Cuối tuần 24/05, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,58% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,67% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,79% (không thay đổi).
Thị trường mở trong tuần từ 20-24/5, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần có 98 tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố trở về 0.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 50.000 tỷ đồng tín phiếu trong tuần qua, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 43.720 tỷ đồng. Trong tuần có 48.725 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 43.720 tỷ đồng.
Như vậy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 4.907 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.400/4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 900/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm và 20 năm huy động toàn bộ 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng gọi thầu. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu kỳ hạn 7 năm ở mức 1,3 lần; kỳ hạn từ 10 năm đến 20 năm ở mức 4,1 - 4,8 lần. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt tại 4,71%/năm; 5,05%/năm và 5,68%/năm - đều giảm nhẹ 1 điểm so với phiên trước.
Trong tuần này (27-31/5), Kho bạc Nhà nước dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn: 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng 9.372 tỷ đồng/phiên, tương đương khối lượng của tuần trước đó. Chốt phiên 24/5, lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp ít biến động so với tuần trước đó. Cụ thể, các mức lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,16%; 2 năm 3,43%; 3 năm 3,54%; 5 năm 3,81%; 7 năm 4,17%; 10 năm 4,71%.
Thị trường chứng khoán có một tuần tương đối tiêu cực khi các chỉ số giảm điểm ở hầu hết cả phiên. Phiên cuối tuần 24/5, VN-Index đứng ở mức 970,03 điểm, giảm 6,45 điểm (-0,66%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,40 điểm (-0,38%), xuống mức 105,39 điểm; UPCOM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 55,27 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch trên 5.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 5.290 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trong tuần qua, thế giới đón nhận nhiều thông tin chính trị - kinh tế quan trọng. Tin đáng chú ý đầu tiên là OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 còn 3,2% thay vì mức 3,3% như lần dự báo trước, đồng thời cảnh báo kinh tế tiếp tục giảm tốc trong năm 2020 đến các nước lớn trên thế giới.
Tiếp đó, Fed cho thấy sự kiên nhẫn trong điều hành lãi suất chính sách, được nêu trong biên bản cuộc họp FOMC cuối tháng 4 đầu tháng 5. Fed cũng nhận định kinh tế Mỹ có thể giảm tốc trong ngắn hạn và phục hồi đà trăng trưởng trong trung hạn với giả định có một đợt cắt giảm lãi suất.
Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố từ chức vào ngày 7/6 vì không thể giúp Anh có một thỏa thuận Brexit cuối cùng.
Sau khi bà May tuyên bố từ chức, phía Liên minh châu Âu cho biết lập trường của khối này về thời hạn và thỏa thuận Brexit là không thay đổi. Theo tình hình hiện tại, nước Anh còn hơn 5 tháng cho tới khi chính thức chia tay EU ngày 31/10 dù có đạt thỏa thuận hay không.