Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-15/1
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/1 |
Tổng quan
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 9,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lên tới hơn 10,19 tỷ USD, cán cân thương mại thâm hụt tới gần 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1/2019.
Như vậy, cán cân thương mại thâm hụt tới 1 tỷ USD trong vòng có 15 ngày, mức thâm hụt lớn nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Trong đó, khu vực kinh tế 100% vốn trong nước nhập siêu tới hơn 1,4 tỷ USD trong những ngày đầu năm, trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xuất siêu 420 triệu USD.
Theo các chuyên gia, nhập siêu trở lại là do từ cả hai phía xuất khẩu và nhập khẩu.
Về xuất khẩu, có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đó là dệt may, điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Trong đó, kim ngạch của nhóm hàng điện thoại bị sụt giảm mạnh, chỉ đạt 1,293 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến hơn 2,1 tỷ USD.
Như vậy, riêng nhóm hàng này bị sụt giảm đến hơn 800 triệu USD, tương đương hơn 39% kim ngạch, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu trong 15 ngày đầu năm. Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm nhẹ gần 50 triệu USD.
Về nhập khẩu, điều đáng lo ngại ở đây là nhập khẩu trong những ngày đầu năm chủ yếu là nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ chứ không phải chủ yếu từ các hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu sản xuất.
Điển hình là mặt hàng ô tô, số liệu thống kê cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 1/2019, cả nước nhập tới 6.362 ô tô nguyên chiếc, trị giá đạt gần 158 triệu USD, tăng 135 lần về lượng và 29 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ với tổng trị giá gần 96 triệu USD.
Một mặt hàng đáng đề cập nữa là rau quả. 15 ngày đầu tháng 1/2019, cả nước đã nhập khẩu tới 79,88 triệu USD rau quả, gần bằng một nửa so với kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian này là 166,54 tỷ USD, trong khi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và vẫn đang thúc đẩy xuất khẩu rau quả ra nước ngoài.
Như vậy, theo các chuyên gia, cần kiểm soát chặt nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ và nông sản.
Năm 2019, Bộ Công Thương đưa ra dự kiến, xuất khẩu đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Như vậy, thay vì xuất siêu như vài năm trở lại đây, 2019 ước tính Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Bộ Công thương dự báo, năm 2019 và các năm tiếp theo, việc thực thi các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP hay EVFTA sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này.
Việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng, dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 21/1 - 25/1, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh. Chốt tuần 25/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.880 VND/USD, tăng 18 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.516 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giao dịch xung quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước trong tuần vừa qua. Chốt tuần 25/1, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 25/1, tỷ giá giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.180 VND/USD - 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tăng khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 25/1, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,73% (+0,27 điểm phần trăm); 1 tuần 4,80% (+0,21 điểm phần trăm; 2 tuần 4,88% (+0,14 điểm phần trăm); 1 tháng 5,08% (+0,09 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Cuối tuần 25/1, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (không thay đổi); 1 tuần 2,58% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,68/% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,83% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 21/1 - 25/1, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 108.000 tỷ đồng, kỳ hạn được tăng lên 28 ngày trong 4 phiên đầu tuần và 21 ngày trong phiên cuối tuần, lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 100.336 tỷ đồng. Trong tuần có 52.815 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 47.520 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 100.336 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.195 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tỷ lệ trúng thầu 89%. Trong đó, kỳ hạn 15 năm huy động được toàn bộ 4.500 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 7 năm và 30 năm huy động được 1.300 và 395 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu 65% và 79%.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm và 15 năm lần lượt tại 4,17% và 5,12%, giảm từ 2 điểm đến 18 điểm; lãi suất trúng thầu kỳ hạn 30 năm tại 5,8%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với phiên trước đó.
Thị trường chứng khoán tuần qua tuy kết thúc trong sắc xanh nhưng cả 2 chỉ số đều giao dịch giằng co qua các phiên và chỉ tăng điểm nhẹ, trong khi thanh khoản thị trường vẫn chưa được cải thiện. Chốt tuần 25/1, VN-Index đứng ở mức 908,88 điểm, tăng 6,41 điểm (+0,73%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,18 điểm (+1,16%), lên mức 102,74 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch ở mức thấp trên 3.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 100 tỷ đồng ở cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, IMF hạ dự báo kinh tế thế giới, cùng ý kiến với WEF về những quan ngại quốc tế đang gặp phải. Song các chuyên gia không cho rằng sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế.
Các Ngân hàng Trung ương ECB và BoJ cùng giữ mức lãi suất chính sách lần lượt tại 0,0% và -0,1%, không có sự thay đổi so với kỳ họp trước. ECB quan ngại về kinh tế châu Âu trong khi BoJ lạc quan về kinh tế Nhật Bản trong năm 2019.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết đã thống nhất với các nghị sỹ về kế hoạch ngân sách cho 3 tuần, tạm thời chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ.
Trong tuần, cả Anh và Úc đón nhận những thông tin tích cực về thị trường lao động mỗi nước, tỷ lệ thất nghiệp cùng giảm xuống mức thấp đáng ghi nhận sau thời gian dài. Do đó, thị trường dự đoán Ngân hàng Trung ương Úc RBA có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 11 năm nay.
Chứng khoán thế giới kết thúc tuần với sắc xanh ở nhiều chỉ số tuy nhiên mức tăng không đáng kể.
Vàng tăng giá mạnh trong khi giá dầu quay đầu giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường kém lạc quan về kinh tế thế giới.