Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 24-28/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/6 |
Tổng quan
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017 (tăng trưởng GDP quý II của một số năm: năm 2011 tăng 5,93%; năm 2012 tăng 5,08%; năm 2013 tăng 5,0%; năm 2014 tăng 5,34%; năm 2015 tăng 6,47%; năm 2016 tăng 5,78%; năm 2017 tăng 6,36%; năm 2018 tăng 6,73%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%. GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng cao nhất 8 năm 7,05% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cũng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017 (GDP 6 tháng của một số năm như sau: năm 2011 tăng 5,92%; năm 2012 tăng 4,93%; năm 2013 tăng 4,90%; năm 2014 tăng 5,22%; năm 2015 tăng 6,32%; năm 2016 tăng 5,65%; năm 2017 tăng 5,83).
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,73% nhờ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào 01/06/2019 và 17/06/2019 làm giá xăng, dầu giảm 3,9% (tác động CPI chung giảm 0,16%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,2% chủ yếu do giá gas trong tháng giảm 8,79% (tác động CPI chung giảm 0,11%) và giá dầu hỏa giảm 3,28%; bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Còn lại, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 6 tăng so với tháng trước, nhưng đều ở mức thấp.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 6/2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng do chủ yếu do các nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn tăng 14,85% (làm CPI tăng 0,62%); các mặt hàng đồ uống và thuốc lá tăng 1,81%; quần áo may sẵn tăng 1,68%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,45%. Thứ hai, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu xây dựng tăng cùng với giá xi măng, sắt, thép và giá nhân công xây dựng tăng. Thứ ba, giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá văn phòng phẩm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018. Thứ tư, việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 245,48 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Hơn nữa, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng cũng đang dần cân bằng trở lại, với ước tính nhập siêu ở mức thấp, chỉ 34 triệu USD, bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2019 ước tính đạt 21,60 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của cả nước ước tính đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6/2019 ước tính đạt 21,2 tỷ USD, giảm 8,6% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 122,76 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 52,54 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực FDI đạt 70,22 tỷ USD, tăng 7,8%.
Như vậy, thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm đang đạt mức tăng khá nhất kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng 7,3% có thể nói đã đạt mục tiêu tăng trưởng 7-8% cho năm nay mà Quốc hội đã quyết nghị hồi cuối năm 2018.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 24-28/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng trở lại các phiên cuối tuần. Chốt tuần 28/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.066 VND/USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.708 VND/USD.
Tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng - giảm xen kẽ qua các phiên. Chốt tuần 28/6, tỷ giá giao dịch ở mức 23.305 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng - giảm qua các phiên trong tuần. Kết thúc ngày 28/6, tỷ giá tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.290 - 23.320 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND liên tục tăng ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần vừa qua. Chốt tuần 28/6, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,96% (+0,88 điểm phần trăm); 1 tuần 4,03% (+0,77 điểm phần trăm); 2 tuần 4,07% (+0,67 điểm phần trăm); 1 tháng 4,19% (+0,55 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD không có nhiều biến động trong tuần qua. Cuối tuần 28/06, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,51% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,59% (không thay đổi), 2 tuần 2,68% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,80% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 24-28/6, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh chào thầu tín phiếu xuống mức 33.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 32.999 tỷ đồng. Trong tuần có 67.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 32.999 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong 4 phiên đầu tuần, vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Phiên cuối tuần mức chào thầu tăng lên 12.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng hấp thụ được toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 21 tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 12.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng mạnh 46.979 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.400/3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 81%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 940/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 30 năm huy động toàn bộ 1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 30 năm lần lượt tại 4,64%/năm và 5,78%/năm, giảm lần lượt 1 điểm và 7 điểm so phiên trước. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 30 năm lần lượt tại 1,3 lần, 3,5 lần và 4 lần.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng 11.463 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 7.609 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp chốt phiên 28/6 ít biến động so với tuần trước đó.
Cụ thể, trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,18% (+0,02 điểm phần trăm); 2 năm 3,47% (giữ nguyên); 3 năm 3,6% (+0,01 điểm phần trăm); 5 năm 3,87% (+0,02 điểm phần trăm); 7 năm 4,16% (giữ nguyên); 10 năm 4,66% (giữ nguyên).
Thị trường chứng khoán trái với tuần trước đó, tuần này tiêu cực trở lại khi các chỉ số giảm ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 28/6, VN-Index đứng ở mức 949,94 điểm, giảm 9,26 điểm (-0,97%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 1,34 điểm (-1,28%), xuống mức 103,51 điểm; duy chỉ có UPCOM-Index tăng 0,53 điểm (+0,96%) lên 55,65 điểm.
Thanh khoản thị ở mức tương đương so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trên 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 221 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh G20 mang lại cuộc gặp mặt bên lề giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Kết thúc sự kiện, Mỹ và Trung Quốc thống nhất sẽ nối lại đàm phán thương mại song phương, điều bị ngừng lại từ gần một tháng nay do những căng thẳng leo thang.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cho biết sẽ hoãn việc đánh thuế lên 300 tỷ hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ nhằm cân bằng thương mại. Ông Trump cũng cho biết sẽ cho phép Huawei mua linh kiện từ các công ty Mỹ nhưng với sự giám sát và không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Liên quan đến tình hình Brexit và nước Anh, ứng cử viên nặng ký cho chức Thủ tướng Anh Borris Johnson cho biết nếu đắc cử ông muốn có một thỏa thuận mới với Liên minh châu Âu EU, hoặc nếu không sẽ đưa nước Anh ly khai không thỏa thuận.