Khi nhà ở… không để ở
Lấn cấn cấm kinh doanh trong căn hộ chung cư | |
Kinh doanh trong chung cư: Nỗi khổ không của riêng ai? | |
Văn hóa chung cư |
Luật Nhà ở 2014 của Việt Nam, tại khoản 12, điều 6 có quy định “nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Để thực hiện quy định này đầu năm nay, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã gửi hơn 2.000 thông báo chuyển trụ sở đến các công ty họ đã cấp phép có đăng ký đặt trụ sở trong các căn hộ chung cư. Tuy nhiên có đến 1.000 văn bản gửi đi qua đường bưu điện đã bị trả lại vì không tìm ra địa chỉ người nhận.
Lý giải về việc người dân không được sử dụng diện tích nhà ở trong chung cư làm văn phòng, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, tải trọng một m2 căn hộ chỉ đảm bảo khoảng 2 tạ, trong khi sử dụng vào làm văn phòng sẽ lên đến 3-4 tạ, không đủ an toàn cho các hộ dân sống xung quanh.
Ảnh minh họa |
Sử dụng căn hộ chung cư vừa để ở vừa sản xuất, kinh doanh đã có từ thời bao cấp, nhiều hộ dân trong các chung cư ở Hà Nội và TP.HCM những năm thập niên 1980 đã từng đóng chuồng nuôi gà, chim câu, nuôi lợn… để cải thiện cuộc sống. Ngày nay, tất cả các hộ gia đình ở tầng trệt trong các chung cư cũ ở đô thị đều sử dụng diện tích căn hộ nhà mình, bán mắm, muối, tương, cà, giữ xe có thu phí cho các gia đình tầng trên.
Nhiều gia đình mới mua căn hộ trong các tòa nhà cao tầng mới hình thành sau này cũng kết hợp vừa để ở, vừa đặt một cái bàn với bộ máy tính giao dịch qua mạng như bán hàng online, xử lý các công việc không cần đến văn phòng như một cách tiết giảm chi phí đi lại. Chưa kể, có rất nhiều các nhà khởi nghiệp đang sống chung với bố mẹ, lấy nhà mình ra đăng ký trụ sở công ty để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng kinh doanh và điều hành hoạt động nhập hàng, bán hàng từ xa qua điện thoại, internet.
Cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, có hiệu lực áp dụng từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài xử phạt hành chính nếu bị phát hiện. Giới luật sư cho rằng quy định này rất khó thực thi mà nguy cơ các lực lượng chức năng ở phường, quận có thể lợi dụng kiểm tra DN, làm tăng chi phí không chính thức cho DN. Có lẽ các bộ, ngành nên hướng dẫn linh hoạt sử dụng căn hộ làm văn phòng công ty theo hướng trao cho các ban quản lý chung cư giám sát như tiếng ồn, quá tải trọng… đã có chế tài xử phạt hành chính đã có quy định rồi, thay vì cấm các văn phòng công ty di động như những nhà khởi nghiệp chỉ đặt một bộ bàn ghế trong nhà mình, làm trụ sở để tiết giảm chi phí ban đầu.
Sẽ có người cho rằng, người Việt đến công sở còn chểnh mảng, làm việc ở nhà sao hoàn thành công việc? Có lẽ không đáng lo chuyện này, hiện nay Chính phủ đang kêu gọi các cấp, các ngành thực hiện cuộc CMCN 4.0, trong đó có internet kết nối vạn vật. Theo đó, sẽ số hóa những dịch vụ công để giảm thiểu thủ tục hành chính. Những bộ phận công chức không phải giao tiếp hàng ngày với người dân, không nhất thiết đến công sở, mà quản lý bằng đầu việc.
Riêng những DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ gia đình thì dễ hơn khi họ làm việc của chính mình nên không cần người giám sát. Một lượng lớn lao động làm việc từ xa qua internet, viễn thông tính trên sản phẩm sẽ tăng năng suất lao động và tiết giảm chi phí xã hội vô cùng lớn. Từ đó sẽ tạo được môi trường làm việc mới cho người lao động, thay vì sáng ra ở các đô thị lớn đổ hết vào các trung tâm gây ùn tắc giao thông, giảm năng suất lao động và chi phí hạ tầng quá lớn.
Có lẽ áp lực giao thông ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay cũng không kém gì đối với các thành phố đã từng khuyến khích người lao động làm việc tại nhà như Tokyo, London. Một khảo sát của Reuters về số người làm việc từ xa: Ấn Độ (50%), Indonesia (34%), Argentina (30%)… Tỷ phú Bill Gates hôm nay đã từng mất 10 năm đầu ở nhà làm việc để cùng đồng sự phát minh ra Microsoft.