Nợ công tăng nhanh, Việt Nam vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả
WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,2% năm 2016 | |
Tăng kỷ luật tài chính để đảm bảo an toàn nợ công | |
Cảnh báo với nợ quốc gia | |
Vay trước mắt, lo lâu dài |
Ông Sandeep Mahajan |
Theo báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) của WB vừa công bố, trong số những nền kinh tế tăng trưởng lớn hơn tại khu vực ASEAN thì Việt Nam cùng với Philippines sẽ có tăng trưởng cao nhất. Dự báo Việt Nam sẽ giữ GDP ở mức trên 6% trong năm 2016 và 2 năm tiếp theo.
Mặc dù vậy trong trao đổi với báo giới, ông Sandeep Mahajan - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế đang còn khá nhiều thách thức.
Xin ông cho biết lý do WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào những “phút chót” trong EAP?
Lý do điều chỉnh dự báo từ mức 6,5% xuống 6,2% là do những diễn biến toàn cầu bất lợi gần đây có thể khiến nhu cầu bên ngoài với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm. Tăng trưởng quý I/2016 cũng đã thấp đi (so với quý I/2015). Ngoài ra, còn những tín hiệu khác như hiện tượng thời tiết (tác động của El Nino) khiến nông nghiệp gặp khó khăn, khu vực FDI nước ngoài – vốn là một trong những nguồn tăng trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam - cũng thể hiện giảm sút trong thời gian vừa qua… đều là những yếu tố khiến chúng tôi quan ngại.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất so với các nước khác trong khu vực ASEAN trong năm nay và hai năm sắp tới.
Báo cáo EAP thể hiện lo ngại về nợ công và thâm hụt ngân sách ở Việt Nam, xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Thâm hụt tài khóa ở Việt Nam luôn “dai dẳng” trong những năm vừa qua. Thâm hụt của Việt Nam lớn hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Việc thâm hụt tài khóa lớn và trong thời gian dài như vậy đã làm tăng nhanh nợ công. Theo số liệu của Bộ Tài chính Việt Nam, tỷ lệ nợ công trên GDP hiện đã ở mức 62,2%.
Chúng tôi không có thước đo độc lập để đánh giá như vậy là quá cao hay quá thấp. Và thực ra cũng không có con số chuẩn nào áp dụng chung cho tất cả các nước. Như tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản là trên 200% nhưng họ vẫn rất ổn vì Nhật Bản có thể tiếp cận thị trường vốn rất tốt. Nhưng cũng có những nước, tỷ lệ này mới trên 50% là đã rất khó khăn, nguy hiểm.
Như vậy, mức độ bền vững của nợ công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, kỳ hạn danh mục nợ ra sao…
Với Việt Nam có một vấn đề đang nổi lên. Đó là không chỉ mức độ nợ công tăng lên nhanh mà lại tăng chủ yếu do nợ trong nước. Kỳ hạn nợ trong nước thuộc danh mục nợ ngắn, nên càng tạo áp lực trong ngắn hạn và cho cả trung hạn. Tuy nhiên tôi cho rằng, mức nợ công hiện nay là mức mà Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Tức là con số nợ hiện nay vẫn bền vững và khả năng trả nợ của Chính phủ với những khoản đến hạn là đảm bảo 100%. Bởi nếu chúng ta phân tách ra thì khoảng một nửa nợ đó là vay ưu đãi nước ngoài với mức lãi suất thấp. Mức trả lãi của Việt Nam là dưới 10% so với tổng thu ngân sách, và nợ phải trả trên GDP là dưới 2% nên so với các nước khác thì vẫn thấp và hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát.
Do đó chúng tôi không hề quan ngại về độ bền vững nợ công hiện nay. Điều chúng tôi quan ngại là tình hình ngân sách. Nếu ngân sách không được củng cố trong giai đoạn 3-4 năm tới thì nợ sẽ thiếu bền vững. Điều này cũng cho thấy Chính phủ cần củng cố tài khóa trong trung hạn.
Chúng tôi không ủng hộ hay khuyến nghị ngay lập tức phải thay đổi CSTK, không khuyên rằng Việt Nam ngay ngày mai cần đưa thâm hụt ngân sách xuống mức 0%. Điều mà chúng tôi khuyến nghị là cần có kế hoạch giảm bớt thâm hụt tài khóa trong trung hạn.
Rủi ro ở đây là khi nợ công tăng lên sẽ làm giảm bớt dư địa để Chính phủ triển khai các khoản chi tiêu đầu tư hướng vào việc tạo ra năng suất hoặc đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục và y tế. Khi chúng ta càng phải trả nhiều nợ thì càng ít có nguồn chi cho những lĩnh vực đó.
Đây là điều mà Việt Nam phải suy nghĩ nhiều hơn và đòi hỏi phải đưa ra kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn cẩn trọng, theo hướng vừa phải tăng nguồn thu của Nhà nước, vừa phải ổn định chi thường xuyên để có nhiều dư địa hơn trong chi đầu tư phát triển để tạo tăng trưởng.
Chúng tôi cũng đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để giúp phân tích tình hình ngân sách, tài khóa, từ đó đưa ra những phương án lựa chọn giúp tình hình trong tương lai khả quan hơn.
Nếu ngân sách không được củng cố trong giai đoạn 3-4 năm tới thì nợ sẽ thiếu bền vững |
Liên quan đến vấn đề vay nợ của Việt Nam, được biết nguồn vốn vay IDA (vốn vay ODA ưu đãi) của WB cho Việt Nam sẽ chấm dứt từ tháng 7/2017. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Hiện chúng tôi cũng đang theo dõi, chưa có kết luận cuối cùng vì vẫn còn 1 năm nữa mới tới kỳ hạn này, nhưng một điều chắc chắn là với việc nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải chuyển dịch từ vốn IDA sang vốn IBRD (kém ưu đãi hơn).
Trong chu kỳ IDA 2014- 2017, Việt Nam được phân bổ khoảng 3,7 tỷ USD. Việc cắt giảm từ mức đó xuống không còn vốn này nữa sẽ là một chuyển đổi rất lớn. Nhưng lưu ý, đây không chỉ là quyết định của WB mà còn là quyết định của các quốc gia đã đóng góp vào nguồn vốn IDA này.
Như vậy, Việt Nam sẽ phải “giải trình” cũng như đưa ra những lập luận của mình trước Ủy ban IDA. Do đó, chúng tôi chưa thể đưa ra được quan điểm chính thức của mình về quyết định này. Nhưng tôi hy vọng sẽ có một giải pháp tốt được đưa ra để Việt Nam có sự chuyển đổi suôn sẻ trong việc “tốt nghiệp” IDA này.
Trong lĩnh vực NH, ông đánh giá thế nào về mục tiêu đưa số lượng NH về mức 15-17 NH vào thời gian tới?
Việc giảm xuống còn 17 NH trong thời gian tới không phải là điều dễ dàng. Dù chúng tôi cho rằng, các kế hoạch và hành động để giảm bớt số lượng NH là cần thiết nhưng WB không khuyến khích việc vội vàng giảm nhanh để đạt được mục tiêu về mặt số lượng. Một quy trình phù hợp và đảm bảo cải cách tốt là những yếu tố quan trọng hơn nhiều so với con số phải đạt được cụ thể. Hơn nữa, việc con số giảm được bao nhiêu còn phụ thuộc vào cầu trên thị trường và nhiều nhân tố khác.
Báo cáo EAP cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Hàm ý ở đây là gì trong bối cảnh NHNN mới đây đã đưa vào cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm hàng ngày?
Các nước đang áp dụng các chế độ tỷ giá khác nhau. Như Singapore đang áp dụng tỷ giá hối đoái danh nghĩa cố định trong thời gian dài nhiều năm. Một số nước đang áp dụng tỷ giá linh hoạt định hướng thị trường. Việt Nam đâu đó đang ở khoảng giữa.
Việc NHNN gần đây đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm theo tôi là động thái tích cực và đúng hướng. Trong thời gian tới, mức độ linh hoạt hơn có thể thể hiện ở mức độ minh bạch hơn. Như trong giỏ tiền tệ để tính tỷ giá hối đoái tham chiếu thì trọng số của từng loại ngoại tệ đó như thế nào.
Tôi cũng cho rằng, một chế độ tỷ giá linh hoạt không phải là điều chúng ta có thể làm ngay một sớm, một chiều. Và tất nhiên chúng ta có rất nhiều áp lực để theo đuổi được chế độ tỷ giá linh hoạt này. Đơn cử, không chỉ trong CSTT mà nó còn phụ thuộc cả vào CSTK, vào chiều sâu của thị trường vốn trong nước…
EAP cũng nhận định, dự trữ ngoại hối (DTNH) của Việt Nam giảm chỉ còn tương đương 2 tháng nhập khẩu. Vậy làm sao để tăng được DTNH trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, nếu cán cân thanh toán duy trì được thặng dư tốt sẽ hỗ trợ rất tốt cho DTNH tăng. Bởi, nếu Việt Nam có thể tiếp tục thu hút được ngoại tệ đổ vào nền kinh tế thì đây là cách để giúp cải thiện DTNH.
Bên cạnh đó, việc có được cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn nữa cũng sẽ giúp ích cho DTNH. Vì, chẳng hạn chúng ta muốn cố định tỷ giá thì NHTW sẽ phải bỏ ra nhiều hơn nữa DTNH - đặc biệt trong những giai đoạn khi tỷ giá tăng (phải phá giá). Do đó, cơ chế tỷ giá linh hoạt là lựa chọn tốt trong thời điểm hiện nay để giúp cho DTNH.
Ngoài ra, một số nước như Trung Quốc đã từng làm là đi ra thị trường quốc tế mua vào DTNH (mua vào các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ Mỹ - phóng viên). Điều này mặt tích cực giúp tăng DTNH nhưng mặt khác lại làm giá trị đồng nội tệ giảm giá.
Hơn nữa, nó cũng có thể gây ra áp lực đối với lạm phát. Nên mặc dù đây cũng là một lựa chọn nhưng tôi nghĩ vào thời điểm này thì đây không phải là một giải pháp khả thi cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính, thị trường trái phiếu chưa thực sự phát triển sâu.
Xin cảm ơn ông!