TPCP: Bình quân nợ trên 7 năm, lãi suất dưới 5%/năm
Bình quân danh mục nợ TPCP trên 7 năm
Theo nguồn thông tin nói trên, trước đây, TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành thường có kỳ hạn ngắn. Từ năm 2014 trở về trước, với kỳ hạn vay hàng năm bình quân khoảng 2-3 năm, ngân sách Nhà nước thường xuyên phải vay đảo nợ để trả các khoản vay trước đó dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao. Tuy nhiên, từ năm 2015, thực hiện chủ trương của Quốc hội về phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, Kho bạc Nhà nước chủ yếu phát hành loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Nếu như năm 2012, thời hạn sử dụng vốn TPCP bình quân ở mức 3 năm, trong đó hơn 20% khối lượng phải hoàn trả ngay năm sau (do chủ yếu là tín phiếu Kho bạc) thì đến nay, thời hạn bình quân của TPCP phát hành tăng lên khoảng 12-13 năm, nâng kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP lên mức trên 7 năm, không còn áp lực trong việc ngân sách Nhà nước phải hoàn trả vốn ngay trong các năm kế tiếp.
Lãi suất thấp dưới 5%/năm
Cũng theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất thị trường được cải thiện theo hướng giảm dần. Nếu như năm 2011 lãi suất phát hành TPCP ở mức 12%/năm thì đến năm 2014 xuống mức 6,54%/năm và tiếp tục giảm dần xuống mức 5,98%/năm trong năm 2017, xuống 4,71%/năm vào năm 2018. Điều này góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công.
Có thể lượng hóa tiết kiệm chi phí vay như sau: Ví dụ, năm 2017, Kho bạc Nhà nước huy động 244.220 tỷ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 12,74 năm, lãi suất bình quân 5,98%/năm. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2016 là 6,49%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm ngân sách Nhà nước tiết kiệm chi trả lãi 1.245,5 tỷ đồng. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2011 là 12%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm ngân sách tiết kiệm chi trả lãi 14.702 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho rằng kết quả phát hành TPCP phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong, ngoài nước và nhu cầu của các nhà đầu tư. Theo đó, thị trường TPCP cần duy trì hoạt động thường xuyên, không phải chỉ hoạt động khi ngân sách Nhà nước cần vốn.
“Kho bạc Nhà nước không thể tập trung huy động một khối lượng TPCP lớn thời điểm cuối năm khi thanh khoản của các nhà đầu tư TPCP căng thẳng. Điều này một mặt dẫn đến khả năng không huy động được, mặt khác tăng chi phí huy động, khoảng 1-2%/năm so với đầu năm, đồng thời ngân sách Nhà nước phải trả chi phí vay cao trong thời gian dài suốt vòng đời trái phiếu”, Bộ Tài chính lưu ý thêm.
Ngân hàng chỉ còn nắm giữ 47% khối lượng trái phiếu
Sự ra đời của thị trường trái phiếu chuyên biệt năm 2009 đánh dấu bước ngoặt trong việc phát triển toàn diện thị trường TPCP của Việt Nam nói chung và công tác phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước nói riêng. Kho bạc Nhà nước không còn thực hiện phát hành TPCP theo phương thức bán lẻ mà chủ yếu thực hiện bằng đấu thầu, đảm bảo thông tin minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí tổ chức phát hành, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường và định hướng cải thiện cơ sở nhà đầu tư, hàng năm Kho bạc Nhà nước thăm dò và mở rộng dần các loại kỳ hạn trái phiếu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khác nhau. Năm 2015 đưa ra thị trường trái phiếu kỳ hạn 20 và 30 năm lần đầu theo phương thức bán lẻ và sau đó thực hiện đấu thầu thường xuyên, thu hút sự các nguồn vốn dài hạn từ các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư... Bên cạnh trái phiếu truyền thống trả lãi cố định còn có các hình thức trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn kỳ trả lãi chuẩn …
Nhờ những giải pháp trên, cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu đa dạng hơn. Từ chỗ trên 80% nhà đầu tư TPCP là các ngân hàng thương mại, hiện nay cơ cấu nhà đầu tư đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ nhà đầu tư dài hạn là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Trước năm 2016, ngân hàng thương mại thường nắm giữ khoảng 80% khối lượng trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành, hiện nay tỷ lệ này giảm xuống khoảng 47% (năm 2018).
Bên cạnh đó, với chủ trương tái cơ cấu danh mục nợ, thời gian qua Kho bạc Nhà nước đã nhiều lần thực hiện hoán đổi TPCP để tái cơ cấu danh mục TPCP, giảm rủi ro hoặc để cải thiện thanh khoản như: hoán đổi các trái phiếu có kỳ hạn còn lại tương đương để hình thành các mã có giá trị niêm yết lớn, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường trái phiếu thứ cấp hoặc gom các trái phiếu có kỳ hạn còn lại ngắn để hoán đổi sang trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, kéo dài kỳ hạn danh mục nợ.