Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/1 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 14/1, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.157 VND/USD, tiếp tục giảm 5 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.802 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.175 VND/USD, không thay đổi so với phiên 13/1. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.150 - 23.180 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 - 0,22 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 0,91%; 1 tuần 1,47%; 2 tuần 2,97% và 1 tháng 3,49%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 2 tuần và giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 1,75%; 1 tuần 1,84%; 2 tuần 1,90%, 1 tháng 2,06%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,40%; 5 năm 1,72%; 7 năm 2,41%; 10 năm 3,04%; 15 năm 3,14%.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 14/1, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%, không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, tiếp tục không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Thị trường chứng khoán diễn biến giằng co phân hóa trong phiên hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,16 điểm (+0,12%) lên 967 điểm; HNX-Index tăng 1,06 điểm (+1,04%) lên 103,36 điểm; UPCOM-Index tăng 0,05 điểm (+0,11%) lên 55,70 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh trên 245 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Trong Báo cáo bán niên của Bộ Tài chính Mỹ về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại chủ yếu trình Quốc hội Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đưa Việt Nam vào Danh sách Giám sát.
Theo đó, trong giai đoạn 4 quý đến hết tháng 6/2019, Việt Nam gặp phải 1 trong 3 tiêu chí để bị coi là thao túng tiền tệ, đó là tiêu chí có thặng dư cán cân thương mại lớn với Mỹ ở mức 47 tỷ USD.
Ở các tiêu chí còn lại, một tiêu chí khác là thặng dư cán cân vãng lai lớn hơn 2% GDP trong khoảng thời gian 12 tháng, thì tỷ lệ này của Việt Nam giai đoạn này là 1,7%.
Tiêu chí thứ 3 là can thiệp liên tục, một chiều trên thị trường ngoại tệ khi các giao dịch mua ngoại tệ ròng được thực hiện liên tục, trong ít nhất 6 trong số 12 tháng báo cáo và các giao dịch mua ròng này ít nhất 2% GDP của nền kinh tế trong khoảng thời gian 12 tháng, thì Bộ Tài chính Mỹ cho rằng ngân hàng trung ương Việt Nam can thiệp theo cả hai chiều và mua ròng trong giai đoạn này chỉ ở mức 0,8% GDP.
Tin quốc tế
Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo bán thường niên muộn hơn 3 tháng so với thường lệ, tuy nhiên các tiêu chí đánh giá về thao túng tiền tệ là không đổi so với báo cáo tháng 5/2019. Bộ này cho biết, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc đã đưa ra các cam kết có thể thực thi để kiềm chế sự phá giá và không dùng tỷ giá hối đoái của mình cho các mục đích cạnh tranh. Trung Quốc cũng đã đồng ý minh bạch hơn thông tin liên quan đến tỷ giá hối đoái và các cán cân của nền kinh tế.
Theo những yếu tố trên, Bộ Tài chính Mỹ xác định rằng Trung Quốc không còn bị quy kết là nước thao túng tiền tệ như trong báo cáo mùa hè 2019.
CPI Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng 12 sau khi tăng 0,3% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, CPI lõi chỉ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 12 sau khi tăng 0,2% ở tháng 11, chưa đạt dự báo tiếp tục tăng 0,2%. Kết thúc tháng 12, mức lạm phát chung của nước Mỹ ở mức 2,3% so với cùng kỳ, đã vượt so với mức lạm phát mục tiêu 2,0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.
Cán cân thương mại của Trung Quốc trong tháng 12 thặng dư 329 tỷ CNY, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 274 tỷ của tháng 11 và vượt dự báo thặng dư 315 tỷ. Giá trị xuất khẩu trong tháng 12 đã tăng 9,0% so với tháng trước, vượt mạnh dự báo tăng 2,8%. Cùng với đó, nhập khẩu tăng đột biến 17,7%, trái với dự báo giảm 1,4%.