Tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Không để đại dịch “đóng băng” đầu tư công | |
Giải ngân vốn đầu tư công: Không thể nói mà không làm | |
Ngành nông nghiệp nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công |
Chỉ còn 20 tuần nữa là hết năm nhưng hiện TP. HCM chỉ mới giải ngân gần 51% trong tổng chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công được giao năm 2020 là 42.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công, thông qua việc tháo gỡ vướng mắc ở những dự án đang bị “đóng băng” và đưa ra các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến ngày 23/8, tổng vốn đầu tư công TP. HCM đã giải ngân là hơn 21.279 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch. Nếu tính cả khối lượng hoàn thành, nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP. HCM là hơn 2.127 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch.
Đường vành đai 2, một trong những dự án đầu tư công vẫn còn ngổn ngang |
Hơn thế, tình hình thu ngân sách của TP.HCM cũng đang là vấn đề “nóng”, bởi theo báo cáo của Sở Tài chính TP.HCM, chỉ tiêu thu cả năm là 405.800 tỷ đồng nhưng trong 8 tháng chỉ mới thu được 216.000 tỷ đồng, tương đương 53%. Trung bình mỗi ngày TP.HCM chỉ thu được hơn 1.320 tỷ đồng, bằng 81% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thuế TP.HCM cũng dự báo năm 2020 tỷ lệ thu chỉ ước đạt 83% dự toán. Nguyên nhân, trong 7 tháng chỉ có 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10%, vốn đăng ký cũng thấp hơn so với cùng kỳ trong khi có đến 21.200 doanh nghiệp giải thể, ngưng, nghỉ, giảm vốn đăng ký vào nền kinh tế 126.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, nếu không tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, làm tốt hơn trong 4 tháng còn lại thì thành phố sẽ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 80% vào ngày 15/10 và 95% đến hết năm 2020. "Để hoàn thành mục tiêu trên trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, chủ đầu tư phải chủ động hơn nữa, công tác điều hành phải đồng bộ, hiệu quả. Nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay để kịp thời tháo gỡ, không chờ đợi nhau. Tiến độ công trình không cho phép đẩy tới đẩy lui, chần chừ, trì trệ", ông Phong chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành.
Lãnh đạo TP.HCM cũng “điểm mặt” từng đơn vị, địa phương có dự án chậm trễ như UBND quận 2 chỉ mới giải ngân đạt 47%; quận Nhà Bè, quận 5, quận 9 chỉ 46%; quận 4 chỉ 31%... Các địa phương cho rằng, nguyên nhân dự án trên địa bàn chậm giải ngân chủ yếu là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất chậm do các đơn vị phải làm việc với từng sở liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc); vướng mắc về phê duyệt giá bồi thường và giá tái định cư vì phải chờ đợi nhiều thủ tục từ các cơ quan chức năng... Chính vì vậy, nhân cuộc họp với lãnh đạo TP. HCM, các quận huyện đề nghị hội đồng thẩm định xử lý hồ sơ giá bồi thường trước rồi xác định giá tái định cư sau (vì tái định cư chỉ chiếm 5%-10% vốn) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.
Ông Phong chỉ đạo các đơn vị phải rà soát lại các dự án để đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế. Những dự án có khả năng thực hiện mà vướng mắc thì báo cáo UBND TP. HCM để chỉ đạo tháo gỡ. “Phải hệ thống hóa thành từng nhóm vướng mắc (nhóm vướng giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục…) để kiến nghị tháo gỡ nhanh. Từ nay đến cuối năm phải đạt được chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND thông qua”, ông Phong chỉ đạo.
Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị cũng đề xuất giải pháp là công khai danh sách dự án chậm giải ngân; lãnh đạo thành phố tăng cường kiểm tra đột xuất, gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn; xác định trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy trình rút ngắn…
Về thu ngân sách Nhà nước, để góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong giao Cục Thuế, Cục Hải quan phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; xử lý hạn chế phát sinh nợ đọng và thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế đối với các DN không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất...
“Đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế và tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, khẩn trương thực hiện thủ tục bán đấu giá nhà, đất tạo nguồn thu cho ngân sách. Cùng với đó, thường xuyên rà soát các tài khoản tạm thu, tạm giữ để kịp thời nộp ngân sách theo đúng quy định. Đồng thời, tiết giảm các khoản chi hội nghị, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020”, ông Phong yêu cầu.