Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 10-14/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/6 |
Tổng quan
Theo Ngân hàng Nhà nước, quá trình xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội có hiệu lực.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5.800 tỷ đồng, cao hơn mức 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 đến năm 2017, trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Theo VAMC, hiện đã có 5 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng có ý định tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC trong năm 2019 như VPBank, TPBank, KienLongBank...
Tuy có tăng về tốc độ xử lý nợ xấu, nhưng trên thực tế, việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp xử lý của nhiều bên liên quan.
Thứ nhất, thị trường mua, bán nợ còn chưa phát triển. Quá trình xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo còn khó khăn khi việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất, khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức khác nhau.
Điều này gây khó khăn cho các bên mua, bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ. Sau đó, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp.
Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.
Thứ hai, nhiều đại diện ngân hàng cho biết, kể cả sau khi có Nghị quyết 42, vướng mắc lớn nhất vẫn là thu giữ tài sản. Nếu bên giữ tài sản bảo đảm không thiện chí thì ngân hàng không thể nào thu giữ được vì không có chế tài.
Khi khách hàng chây ì, ngân hàng không thu giữ được tài sản thì ngân hàng phải quay lại giải pháp cuối cùng là thi hành án, mất nhiều thời gian và chi phí để thu hồi được nợ.
Bên cạnh đó, một lượng nợ xấu gắn với các đại án, các vụ việc, các đại dự án bị thua lỗ hoặc phá sản vẫn chưa được xử lý. Quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các khoản nợ này cần phối hợp với nhiều cơ quan, các cấp chức năng và mất nhiều thời gian. Có những khoản nợ sau khi xử lý xong các thủ tục phát mại, tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc, hàng hóa… đã xuống cấp và hao mòn giá trị.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có các biện pháp cụ thể thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng cường xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo lấy ý kiến Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung thêm điểm: các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung này là để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Các chuyên gia hi vọng với quyết tâm từ cả cơ quan quản lý lẫn các tổ chức tín dụng, các khoản nợ xấu tồn đọng sẽ được xử lý nhanh chóng, dứt điểm hơn.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 10-14/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm luân phiên qua các phiên. Chốt tuần 14/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.059 VND/USD, chỉ tăng 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.701 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm trong tuần vừa qua. Chốt tuần 14/6, tỷ giá giao dịch ở mức 23.330 VND/USD, giảm mạnh 67 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 14/6, tỷ giá giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.310 - 23.330 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND chỉ biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 14/6, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,10% (-0,05 điểm phần trăm); 1 tuần 3,25% (không thay đổi); 2 tuần 3,42% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 3,65% (-0,02 điểm phần trăm).
Tương tự, lãi suất liên ngân hàng đối với USD cũng biến động nhẹ trong tuần. Cuối tuần 14/06, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,51% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,59% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,67% (-0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,79% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 10-14/6, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 65.000 tỷ đồng tín phiếu, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 64.799 tỷ đồng. Trong tuần có 70.499 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.650 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 64.799 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần không có đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố duy trì ở mức 0.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động được toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm và 30 năm huy động được 1.500 tỷ đồng mỗi loại. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 5,6 lần, trong đó kỳ hạn 15 năm ở mức 3,5 lần, kỳ hạn 20 năm ở mức 8 lần và kỳ hạn 30 năm ở mức 4,7 lần.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm tại 5,02%, giảm nhẹ 1 điểm so với phiên đấu thầu trước; kỳ hạn 20 năm tại 5,58%, giảm 5 điểm; và kỳ hạn 30 năm tại 5,85%, giảm 3 điểm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình tuần qua đạt khoảng 7.609 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 7.081 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp chốt phiên 14/6 tiếp tục ít biến động so với tuần trước đó. Cụ thể, các mức lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh mức: 1 năm 3,16%; 2 năm 3,43%; 3 năm 3,56%; 5 năm 3,84%; 7 năm 4,15%; 10 năm 4,67%.
Thị trường chứng khoán vẫn chưa hồi phục trong tuần vừa qua. Chốt tuần 14/6, VN-Index đứng ở mức 953,61 điểm, giảm 4,67 điểm (-0,49%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,75 điểm (-0,72%), xuống mức 103,46 điểm; riêng UPCOM-Index tăng 0,43 điểm (+0,79%) lên 54,04 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 3.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 260 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu lắng xuống khi Mỹ bỏ khiếu nại Trung Quốc tại WTO vào ngày 3/6 và Trung Quốc chấp thuận chỉ một ngày sau đó. Cả hai nước đều không có những giải thích sau khi tin tức này được WTO công bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục phát biểu đe dọa đánh thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu không có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghĩ G20 diễn ra cuối tháng này.
Mặc dù doanh số bán lẻ tăng ổn định, tuy nhiên chỉ số CPI của Mỹ tăng chậm trong tháng 5 khiến nhiều chuyên gia thêm tin vào một đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 7.
Tại Anh, sau khi Thủ tướng Theresa May từ chức ngày 7/6, có 11 ứng cử viên cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Hiện tại, bà May tạm thời giữ chức Thủ tướng Anh cho tới khi nước này chọn được người lãnh đạo tiếp theo. Thị trường nhận định nhiều khả năng nước Anh sẽ không đủ thời gian để có một thỏa thuận Brexit với EU trước 31/10.
Nước Anh trong tuần đón thông tin kinh tế trái chiều khi GDP tháng 5 bất ngờ giảm khá mạnh, tuy nhiên thị trường lao động tiếp tục khởi sắc khi thu nhập của người dân tăng cao.
Trung Quốc cũng là quốc gia đón thông tin kinh tế trái chiều trong tuần qua khi thặng dư thương mại lớn bất ngờ, tuy nhiên giá trị đầu tư tài sản cố định và sản lượng công nghiệp cho thấy sự giảm tốc trong tháng 5.