Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/5
Tổng quan
Tuần qua, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, đàm phán thương mại rơi vào bế tắc. Ngày 13/5, Trung Quốc thông báo về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ nhằm trả đũa việc chính quyền Trump tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của nước này.
Tiếp đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cầm các công ty công nghệ trong nước dùng sản phẩm của Huawei.
Ngay ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Mỹ nên dừng các hành động tiêu cực đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công ty nước này.
Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ áp đặt mức thuế 25% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa khi ông gặp ông Tập vào cuối tháng 6 tại cuộc họp thượng đỉnh G20. Danh sách hàng hóa bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng, từ điện thoại di động, máy tính cho đến quần áo và giày dép.
Tuy nhiên, việc tăng thuế của Trung quốc lên hàng hóa Mỹ chỉ chính thức áp dụng từ 1/6. Như vậy, Trung Quốc dường như để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Mỹ trong giai đoạn từ nay đến thời điểm 1/6. Cơ hội vẫn còn để hai bên tiếp tục đàm phán và tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc.
Bên cạnh đó, cả 2 chính quyền đều đưa ra những biện pháp để hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước chịu tác động bởi cuộc chiến leo thang thuế suất này. Về phần mình, ông Trump đã gây áp lực để Fed để giảm lãi suất cơ bản; các thị trường hiện đang đánh giá cao khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 10. Ngoài ra, hôm 13/5, ông Trump nói chính quyền của ông sẽ hỗ trợ 15 tỷ USD cho những nông dân có hàng hóa bị Trung Quốc đánh thuế. Năm ngoái, chính quyền Mỹ cũng đưa ra gói cứu trợ nông nghiệp 12 tỷ USD.
Ở phía Trung Quốc, trong tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng VAT cho lĩnh vực chế tạo từ 16% xuống 13%, còn các ngành vận tải và xây dựng sẽ giảm từ 10% xuống 9%. Đầu tháng 5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC thông báo cắt giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng vừa và nhỏ phải giữ từ ngày 15/5 nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ngày 14/5, PBoC đã quyết định phá giá tỷ giá nhân dân tệ đối với USD ở mức 0,6%, lên tới 6,8365 nhân dân tệ/USD. Theo Bloomberg, đồng CNY ở nước ngoài được giao dịch ở mức 6,9100 NDT/USD vào chiều 14/5, sau khi vượt qua mức tăng tới 0,35% vào buổi sáng. Năm ngoái, đồng CNY đã giảm giá 8%, làm vô hiệu hóa phần nào tác động của việc tăng thuế nhập khẩu Mỹ.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, nếu căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước, Trung Quốc có thể bán số lượng lớn tiền dự trữ hiện đang ở mức khoảng 3.100 tỷ USD trong Kho bạc hoặc bán bớt trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ hiện ở mức khoảng 1.120 tỉ USD.
Tuy nhiên, biện pháp nào từ cả 2 bên đều có những mặt được và mất mà trước khi áp dụng các chinh phủ và tổ chức liên quan đều phải cân nhắc thận trọng.
Về tác động tới Việt Nam, đối với thương mại, khi 2 nước tăng thuế hàng nhập khẩu của nhau, ở thị trường Mỹ, hàng hóa của Việt Nam và của các nước bị áp thuế nhập khẩu dưới 25% sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa Trung Quốc.
Tại thị trường Trung Quốc cũng tương tự, hàng hóa của Việt Nam và các nước không bị tăng thuế sẽ cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đặc biệt, những mặt hàng chủ lực mà Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ như may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện… sẽ được hưởng lợi.
Theo tính toán trên lý thuyết, nhiều khả năng, Việt Nam tranh thủ được 20 - 25% thị phần, tương đương 18 - 23 tỷ USD trong tổng số 66 tỷ USD hàng tiêu dùng, thực phẩm và 25 tỷ USD hàng điện tử, điện thoại và linh kiện Mỹ đang phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, để đối phó với việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc có thể phá giá đồng nội tệ, như vậy hàng hóa của Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh sẽ tăng lên. Khi đó, hàng hóa của Trung Quốc không chỉ tăng sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ mà còn cạnh tranh trên các thị trường khác và ngay trên chính thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, hàng hóa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ và ngược lại, hàng hóa của Mỹ không xuất khẩu được vào Trung Quốc sẽ tìm cách vào các thị trường khác. Do vị trí địa lý có chung đường biên giới kéo dài, nên hàng hóa dư thừa của Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, chủng loại, hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục gây sức ép khá lớn đến thị trường hàng hoá Việt Nam, nhất là sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc giảm. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Những điều chỉnh trên sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.
Về đầu tư, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, mà doanh nghiệp nhiều nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc từ lâu đã có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang nước khác, trong đó có Việt Nam. Căng thẳng thương mại sẽ có thể là cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội này hay không còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 13-17/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trong các phiên đầu tuần sau đó giảm trở lại. Chốt tuần 17/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.054 VND/USD, giảm 3 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.696 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục tăng trong tuần qua. Chốt tuần 17/5, tỷ giá giao dịch ở mức 23.340 VND/USD, tăng 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng cùng xu hướng tăng mạnh trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 17/5, tỷ giá tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.350 - 23.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 17/5, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,16% (-0,38 điểm phần trăm); 1 tuần 3,26% (-0,40 điểm phần trăm); 2 tuần 3,36% (-0,44 điểm phần trăm); 1 tháng 3,66% (-0,40 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ so với tuần trước đó. Cuối tuần 17/05, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,51% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,61% (-0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 2,69% (không thay đổi) và 1 tháng 2,79% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 13-17/5, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 98 tỷ đồng trong phiên đầu tuần, các phiên sau đều không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần không có đáo hạn, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 98 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 59.000 tỷ đồng tín phiếu trong tuần qua, có 48.725 tỷ đồng trúng thầu. Trong tuần có 25.887 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 48.725 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 22.740 tỷ đồng từ thị trường trong tuần vừa qua thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu trong tuần, ngày 15/5, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.400/3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 80%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được mỗi kỳ hạn 1.000/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 30 năm huy động được 400/500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 30 năm lần lượt tại 4,72%/năm (không đổi), 5,06%/năm (không đổi) và 5,88%/năm (tăng nhẹ 3 điểm so phiên trước).
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so mức 8.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Các mức lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,17%; 2 năm 3,44%; 3 năm 3,55%; 5 năm 3,84%; 7 năm 4,19%; 10 năm 4,73%.
Thị trường chứng khoán tuần qua tương đối tích cực khi các chỉ số tăng điểm qua hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 17/5, VN-Index đứng ở mức 976,48 điểm, tăng 29,93 điểm (+2,51%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,07%), xuống mức 105,79 điểm; UPCOM-Index tăng 0,09 điểm (+0,16%) lên 55,24 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 4.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng liên tục cả tuần với khối lượng hơn 1.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Liên quan đến thông tin quốc tế, kinh tế Mỹ tuần qua đón nhận nhiều chỉ báo kinh tế trái chiều, tuy nhiên sự tiêu cực về doanh số bán lẻ là tin tức đáng chú ý nhất.
Mặc dù giảm tốc song châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng vẫn cho thấy kết quả tăng trưởng quý I/2019 không tiêu cực như những nhận định của thế giới. Bên cạnh đó, lạm phát của khu vực này đang tiến gần tới ngưỡng mục tiêu của ECB.
Tại Anh, Thủ tướng May cho biết có thể đưa ra một dự thảo Brexit mới, dấy lên những nhận định trái chiều từ các chuyên gia.
Thị trường lao động tại Anh đón nhận thông tin trái chiều khi tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập bình quân của người lao động cùng giảm xuống trong tháng 4.